Một mẫu máu của loài hươu cổ trắng Mỹ lấy năm 2019 đã có kết quả dương tính với kháng thể COVID-19, theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học chính phủ Mỹ.
Bản báo cáo về phát hiện kháng thể với COVID-19 trong máu hươu cổ trắng ở Mỹ năm 2019 vẫn chưa được chuyên gia thẩm định. Ảnh minh họa: Shutterstock
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy ba mẫu dương tính ở loài hươu vào tháng 1/2020 – thời điểm mà virus vừa mới được xác định tại Trung Quốc.
Nhà sinh vật học Susan Shriner thuộc Trung tâm Nghiên cứu Động vật Hoang dã Quốc gia cho biết những mẫu máu này được thu thập vào thời điểm “sơ khai” của đại dịch COVID-19 từ các quần thể hươu hoang dã tại nhiều vùng khác nhau của Mỹ.
Chia sẻ trên nguồn dữ liệu nghiên cứu mở bioRxiv.org hồi cuối tháng 7, bà cùng các đồng nghiệp cho rằng phát hiện này có thể cung cấp thông tin cơ bản cho các quần thể được khảo sát trước khi mầm bệnh xã hội.
Họ đã tình cờ phát hiện chi tiết trên trong quá trình nghiên cứu về vấn đề con người có thể lây truyền virus SARS-CoV-2 cho động vật hoang dã hay không. Và kết quả này cũng chưa được hội đồng chuyên gia thẩm định.
Một cuộc khảo sát quy mô lớn khác do Bộ Nông nghiệp Mỹ tiến hành vào đầu năm nay từng cho thấy gần một nửa số hươu đuôi trắng trong tự nhiên có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Ở một số khu vực, tỷ lệ lây nhiễm lên tới 100%.
Để đảm bảo độ chính xác của phương pháp thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một số mẫu được lưu trữ từ năm 2011 trở lại đây làm đối chứng và nhận thấy tất cả các kết quả đều âm tính trước năm 2019.
Thực tế, nhiều trường hợp động vật bị nhiễm SARS-CoV-2 đã được ghi nhận trên khắp thế giới, nhưng chúng là vật nuôi hoặc động vật trang trại sống gần người và chỉ có kết quả dương tính sau khi phát hiện thấy COVID-19 ở người.
Cho đến nay, nguồn gốc của đại dịch COVID-19 vẫn còn là một câu đố bí ẩn đối với giới nghiên cứu và các nhà lãnh đạo quốc tế. Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra để khỏa lấy chỗ trống trên.
Khi dịch COVID-19 vừa xã hội, người ta cho rằng căn bệnh này khởi nguồn từ một chợ hải sản ở Vũ Hán (Trung Quốc), song cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới đã tìm thấy các ca mắc sớm hơn ở những nơi khác thuộc thành phố này.
Một số nhà khoa học cũng gợi ý khả năng một vài động vật hoang dã ở Đông Nam Á có thể là vật chủ ban đầu của SARS-CoV-2. Các chủng virus gốc Corona tương tự đã được tìm thấy trên những động vật như dơi và tê tê, nhưng khoảng cách di truyền của chúng với con người quá rộng nên các loại virus này có thể đã bị tách biệt trong nhiều năm, hoặc thậm chí nhiều thập kỷ.
Hầu hết các nhà khoa học nói rằng COVID-19 có nguồn gốc từ tự nhiên nhưng bằng chứng về lịch sử ban đầu về quá trình tiến hóa của virus vẫn còn ít ỏi.
Xuân Chi
Nguồn: baotintuc.vn