Mới đây, "hàng rào bong bóng khí" (The great bubble barrier) - một sáng kiến mới vừa được các nhà khoa học triển khai tại Hà Lan có thể giúp chúng ta "dọn rác", vừa bảo tồn được nguồn tài nguyên biển, vừa mang lại môi trường sống xanh.
Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn đại dương hàng năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi nổi và thải ra các đại dương, trong đó đa phần là từ các quốc gia châu Á. Lượng rác thải nhựa này ngày càng nhiều trên biển và gây tác hại không hề nhỏ đến các đại dương và các loài sinh vật biển.
Hàng rào bong bóng khí là giải pháp tối ưu nhất để không biến đất nước Hà Lan thành bãi rác thải nhựa lớn nhất thế giới
Hàng rào bong bóng khí
Nhà chức trách Hà Lan cho biết, quốc gia này có rất nhiều con kênh đã được xây dựng hàng trăm năm, trong số đó có nhiều con kênh đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới. Tuy nhiên, dọc bờ các con kênh này người dân để rất nhiều rác thải nhựa lâu ngày không được dọn sạch không chỉ khiến cho môi trường nơi đây bị ô nhiễm, mà nó còn theo dòng nước chảy ra biển, gây ô nhiễm cả môi trường biển.
"Hơn 2/3 lượng rác thải nhựa trên các đại dương đến từ các con sông và kênh đào. Vì thế, chúng ta muốn giải quyết triệt để tình trạng rác thải nhựa trôi lênh đênh trên biển, thì công việc phải bắt đầu từ chính các con sông hoặc kênh này", Philip Ehrhorn, người đồng ý tưởng "hàng rào bong bóng khí" cho biết.
Hàng rào bong bóng khí sẽ giúp ngăn rác thải nhựa đổ ra các đại dương. Đây cũng sẽ là bước tiến mới giúp điều tiết hệ sinh thái, mang lại lợi ích to lớn cho con người, động vật và cả môi trường.
"Hàng rào bong bóng khí" - đơn giản chỉ là một thiết bị hình chữ nhật, nó cũng không có gì đặc biệt, nhưng mỗi ngày nó lại hoạt động rất hiệu quả khi thu được rất nhiều rác thải nhựa ở thành phố Amsterdam.
Hàng rào bong bóng khí được tạo ra bằng cách bơm khí qua một đường ống có lỗ đặt trên đáy của con sông hoặc kênh. Bong bóng khí tạo ra dạng lưới chéo, có thể ngăn rác thải nhựa có kích thước từ 5mm đến 1m vượt qua hàng rào. Cụ thể, thiết bị có hệ thống đục lỗ và thổi khí nén lên mặt nước, qua đó đẩy rác thải nhựa ở dưới đáy nổi lên mặt nước, rất thuận tiện cho công nhân môi trường vớt rác.
Không cản trở tàu thuyền và sinh vật biển
"Ưu điểm lớn nhất của hàng rào bong bóng khí này là chúng tôi không cần tới phải lập một hàng rào vật lý để thu gom rác thải nhựa. Theo đó, tàu thuyền có thể di chuyển qua lại rất dễ dàng, trong khi rác thải nhựa vẫn được thu gom bằng cách hiệu quả nhất", Philip Ehrhorn. Sau khi rác thải nhựa bị chặn lại bởi hàng rào bong bóng khí, một chiếc tàu lớn sẽ tới đây để thu gom rồi đưa đi xử lý.
Hà Lan đã thử nghiệm phương pháp này và rất hiệu quả. Riêng với quốc gia có tới 50% lãnh thổ nằm dưới mực nước biển này thì đây có thể là giải pháp tối ưu nhất để không biến đất nước Hà Lan thành bãi rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, ưu điểm nữa của hệ thống thiết bị này là nó không gây ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển, đường đi của cá và các dòng hải lưu.
"Các con kênh đào của Amsterdam rất nổi tiếng. Nhưng khi nghĩ về vẻ đẹp của chúng, chúng ta lại quên đi "chi tiết" các chai nhựa, túi rác nilon trong các dòng nước. Hàng rào bong bóng khí sẽ giúp ngăn rác thải nhựa đổ ra các đại dương. Đây cũng sẽ là bước tiến mới giúp điều tiết hệ sinh thái, mang lại lợi ích to lớn cho con người, động vật và cả môi trường", bà Francis Zoet, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết. Ngoài ra, bà cũng muốn triển khai giải pháp này tới các quốc gia châu Á, nơi mà rác thải nhựa chiếm đến hơn một nửa của thế giới.
Trần Biên (ANTĐ)