Theo kết quả mới nhất cho thấy, Hranická Propast là hang động nước ngọt sâu nhất thế giới với độ sâu ít nhất 450m. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là độ sâu cuối cùng.
Hranická Propast đã giữ kỷ lục về hang động nước ngọt sâu nhất thế giới vào năm 2016 khi đó độ sâu của hang khoảng 404m và hiện tại hang động đã phá vở kỷ lục của chính mình. Nhóm chuyên gia đã phát hiện thấy độ sâu của hang ít nhất khoảng 450m. Tuy nhiên, đây có thể chưa phải độ sâu cuối cùng bởi đáy hang chưa được tìm thấy.
Trong các chuyến thám hiểm, các chuyên gia thu thập dữ liệu về hình dáng của hang. Qua đó, họ vẽ bản đồ 3D về độ sâu với sự trợ giúp của robot nhỏ lắp 6 camera. Nhưng hang Hranická Propast được cho là sâu hơn thế. Hiện các chuyên gia chưa tiếp cận được đáy hang do hạn chế về công nghệ.
“Chúng tôi nhận thấy đây là một hang khổng lồ, chạy theo chiều thẳng đứng. Ở độ sâu 450m, đường đi bắt đầu rẽ theo hướng tây nam”, ông Michal Guba, chủ tịch Hiệp hội hang động học tại Cộng hòa Séc, chia sẻ thông tin.
Hang động Hranická Propast được đánh giá rất khó thám hiểm. Nước trong hang có tính axit cao khiến nhóm thợ lặn không được bảo vệ chỉ bằng một bộ đồ lặn. Không khí phía trên mặt nước cũng không thể hít thở vì chứa lượng carbon lớn. Nhiều khúc gỗ, tán cây, thực vật rơi xuống hang và tích tụ suốt nhiều năm, trở thành vật cản chặn lối nhiều đường đi vào sâu trong.
Hình dáng của hang Hranická Propast cũng là yếu tố thách thức lớn với sự an toàn của các thợ lặn ngay cả với những người chuyên nghiệp. Nếu thợ lặn không kiểm soát tốt lực nổi, họ có thể bị chìm sâu vào trong hang.
Bản đồ 3D nhờ sử dụng robot
“Hiện chúng tôi đang tập trung khám phá ở độ sâu khoảng 200m. Mọi thứ diễn ra khá thuận lợi nên chúng tôi quyết định vượt qua mức giới hạn. Ở độ sâu 450m, chúng tôi phải tạm ngừng do hạn chế kỹ thuật của robot dưới nước”, chuyên gia Guba nói thêm.
Những nghiên cứu trước kia chỉ ra, hang Hranická Propast hình thành do nước ngầm ngấm xuống thay vì ngấm lên. Tuy nhiên, chuyên gia Guba cùng nhóm cộng sự nhận định, hang động này ra đời do nước chảy xuống lòng đất gây ra hiện tượng xói mòn.