Việc nhiều quốc gia vùng bán đảo Ả Rập ghi nhận lượng mưa lớn bất thường kéo dài trong nhiều ngày qua đang làm dấy lên nghi vấn mưa nhân tạo là nguyên nhân của tình trạng này, nhưng có hẳn là vậy?
Mưa lớn khiến đường phố ngập nước tại thành phố Dubai, UAE ngày 17-4 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin WAM của UAE gọi trận mưa hôm 16-4 là "một sự kiện thời tiết lịch sử", vượt qua "bất kỳ ghi nhận nào kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1949" - nghĩa là trước cả khi dầu thô được tìm thấy ở quốc gia này.
Mưa lớn gây lụt vùng sa mạc
Theo Hãng tin AP, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đến ngày 17-4 vẫn đang khắc phục hậu quả sau trận mưa lớn lịch sử. Mưa lớn khiến đường băng ở sân bay quốc tế Dubai ngập như hồ nước, làm gián đoạn các chuyến bay và nhiều hành khách mắc kẹt từ một ngày trước đó.
Ngày 16-4, theo Trung tâm Khí tượng quốc gia UAE, lượng mưa 254mm được ghi nhận trong chưa đến 24h ở TP. Al Ain, một phần của Tiểu vương quốc Abu Dhabi, giáp với Oman. Tại sân bay quốc tế Dubai ngày 16-4, lượng mưa đo được gần 100mm chỉ trong 12 tiếng, gần như bằng với lượng mưa mà thành phố này vẫn thường ghi nhận trong cả năm.
Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ ngày 18-4, chị Lê Hoàng Phương Quỳnh, một người Việt Nam sống và làm việc tại thành phố Dubai từ năm 2008, cho biết đã có cảnh báo mưa lớn trước đó khoảng ba ngày, nhưng người dân cũng như chính quyền không chuẩn bị nhiều vì không nghĩ là có dông lớn.
"Một số nhà ở vùng trũng bị nước tràn vào cao đến gối, bị cúp điện. Xe hơi, xe taxi bị kẹt trên đường... Các hệ thống tàu điện đều không hoạt động, các chuyến bay cũng bị hoãn lại hết", chị Quỳnh nói.
Ngày 17-4, đường sá tại UAE vẫn tắc nghẽn và hoạt động hàng không vẫn bị gián đoạn. Sáng 18-4, sân bay quốc tế Dubai kêu gọi hành khách chỉ đến sân bay nếu đã được xác nhận đặt chỗ.
"Đây là thời điểm vô cùng thách thức. Trong ký ức của mình, tôi không nghĩ ai đó đã chứng kiến tình trạng như hiện nay", CEO Paul Griffiths của Sân bay Dubai nói hôm 17-4.
Tại khu vực khô cằn như UAE, mưa không phải chuyện thường gặp. Chị Quỳnh chia sẻ ở Dubai chỉ có mưa từ 2-3 lần/năm. Theo Hãng tin AP, vì mưa không thường xuyên, đường sá và nhiều khu vực tại đây có hệ thống thoát nước không xử lý kịp lượng mưa đột biến, gây ra ngập lụt.
"Thường sau các trận mưa sẽ có xe bồn đi hút nước ngập ở những con đường và khu vực bị ngập vì ở Dubai không có hệ thống thoát nước", chị Quỳnh cho biết.
Bên cạnh đó, mưa lớn cũng được ghi nhận ở các quốc gia như Bahrain, Oman, Qatar và Saudi Arabia.
Đài CNN nhận định hiện tượng mưa cực lớn vừa qua ở các quốc gia Ả Rập đang trở nên ngày càng phổ biến khi không khí nóng lên do biến đổi khí hậu. Điều kiện thời tiết này cũng có liên quan đến hệ thống bão lớn đi qua Bán đảo Ả Rập và di chuyển đến Vịnh Oman.
Cơ quan khẩn cấp của Oman hôm 17-4 cho biết có ít nhất 19 người thiệt mạng do hậu quả của mưa lớn trong ba ngày liên tiếp. Hãng tin của Oman hôm 14-4 đưa tin 9 học sinh và 3 người lớn thiệt mạng khi xe của họ bị cuốn trôi trong lũ quét.
Hệ lụy từ mưa nhân tạo?
Theo Đài CNBC, UAE đã làm mưa nhân tạo kể từ những năm 1990. "Những năm trước mưa rất ít, một năm chỉ mưa 2-3 lần, nên chính phủ chi một khoản lớn để làm mưa nhân tạo và rất hiệu quả, lượng mưa trong năm được ghi nhận nhiều hơn", chị Quỳnh cho biết.
Trong bối cảnh trận mưa lớn bất thường gây ngập lụt nghiêm trọng, nhiều cơ quan truyền thông và một số nhà quan sát cho rằng đây là hậu quả từ nỗ lực làm mưa nhân tạo của UAE.
Tuy nhiên trong thông cáo gửi tới truyền thông, Trung tâm Khí tượng quốc gia UAE (NCM) cho biết không có hoạt động gieo mây tạo mưa nào được thực hiện trước hay trong cơn bão vừa qua.
Nhà khoa học khí hậu Friederike Otto tại Đại học Imperial College London (Anh), cho rằng việc nhắm vào hoạt động làm mưa nhân tạo để đổ lỗi cho lũ lụt tại UAE là "dẫn dắt". Bà Otto là người đang thực hiện các nghiên cứu về vai trò của biến đổi khí hậu trong những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Theo tạp chí Forbes, giáo sư Maarten Ambaum, nhà khí tượng học tại ĐH Reading (Anh), khẳng định: "Không có công nghệ nào có thể tạo ra hoặc thậm chí điều chỉnh đáng kể một trận mưa như vậy".
Nhiều ước tính cho thấy việc gieo mây chỉ có khả năng làm tăng lượng mưa theo mùa khoảng từ 10-20%. Các quan chức UAE ước tính chương trình của họ chỉ làm tăng lượng mưa khoảng từ 10-30% mỗi năm.
Đồng tình với quan điểm này, theo giáo sư vật lý khí quyển Giles Harrison tại ĐH Reading, quy mô trận mưa vừa qua tại UAE lớn hơn rất nhiều so với khả năng gây mưa của công nghệ gieo mây nhân tạo.
Theo báo Washington Post, bà Otto và nhiều nhà khoa học khác chỉ ra thực tế nhiệt độ toàn cầu đang tăng là nguyên nhân gây mưa lớn hơn trên khắp thế giới, vì không khí ấm sẽ giữ nhiều hơi ẩm hơn.
Khí hậu tại Dubai đã có những thay đổi
Chị Quỳnh cho biết trong 16 năm sống tại Dubai, chị cũng cảm nhận khí hậu có sự thay đổi.
"Ngày trước vào mùa đông Dubai rất lạnh, thở ra khói vào buổi sáng sớm nhưng dần thì không còn lạnh như trước nữa. Đến năm 2023, vào mùa đông nhiệt độ thấp nhất tầm 19 độ", chị Quỳnh nói.
"Tuy nhiên, trước giờ chưa bao giờ có mưa vào tháng 4 vì lúc này đã bước qua mùa nắng nóng. Đây là lần đầu tiên mưa vào tháng 4", chị Quỳnh nói thêm.
NGHI VŨ - NHƯ PHÚ
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online