Dữ liệu cho thấy mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 9,4cm kể từ năm 1993.
Nước biển dâng ảnh hưởng nhà dân ở Tierra Bomba, Colombia - Ảnh: AFP
Theo báo cáo được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố ngày 23-3, mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 0,76cm trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023.
Đây là một mức tăng tương đối lớn mà nguyên nhân chủ yếu là do khí hậu ấm lên và hiện tượng thời tiết El Nino diễn biến mạnh.
Các phân tích của NASA dựa trên bộ dữ liệu mực nước biển thu thập sau hơn 30 năm quan sát thông qua vệ tinh. Dữ liệu cho thấy mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 9,4cm kể từ năm 1993 - một tốc độ cao đáng kể, tăng hơn gấp đôi mức tăng 0,18cm/năm ghi nhận năm 1993 lên mức hiện tại là 0,42cm/năm.
Bà Nadya Vinogradova Shiffer - Giám đốc đơn vị quan sát mực nước biển của NASA và chương trình vật lý đại dương tại Washington - cho biết: "Tốc độ tăng tốc hiện nay đồng nghĩa với việc mực nước biển trung bình toàn cầu đang trên đà tăng thêm 20cm vào năm 2050, mức tăng trong 30 năm tới sẽ tăng gấp đôi so với 100 năm trước, lũ lụt trên thế giới cũng xảy ra với tần suất cao hơn và mức độ tác động lớn hơn".
Theo NASA, mực nước biển toàn cầu đã tăng đáng kể trong hai năm qua, chủ yếu là do sự chuyển đổi giữa hai hình thái thời tiết La Nina và El Nino.
La Nina sẽ khiến nhiệt độ đại dương mát hơn bình thường ở vùng xích đạo Thái Bình Dương. Trong khi đó, El Nino khiến nhiệt độ đại dương ấm hơn mức trung bình ở xích đạo Thái Bình Dương.
Cả hai hiện tượng khí hậu định kỳ này đều ảnh hưởng đến mô hình lượng mưa và tuyết rơi, cũng như mực nước biển trên khắp thế giới.
TTXVN