Mỹ âm thầm thử vũ khí siêu vượt âm

Mỹ thử thành công tên lửa hành trình siêu vượt âm HAWC từ giữa tháng 3, nhưng không công bố thông tin để tránh leo thang căng thẳng với Nga.

Một nguyên mẫu Vũ khí siêu vượt âm sử dụng động cơ hút khí tự nhiên (HAWC) được phóng từ oanh tạc cơ B-52 ở ngoài khơi Bờ Tây nước Mỹ hồi giữa tháng 3, đánh dấu lần đầu biến thể HAWC của Lockheed Martin phóng thành công. Tuy nhiên, thông tin về vụ thử được quân đội Mỹ giữ kín suốt hai tuần qua để tránh gây leo thang căng thẳng với Nga vào thời điểm Tổng thống Joe Biden chuẩn bị thăm châu Âu, một quan chức Lầu Năm Góc am hiểu vấn đề tiết lộ hôm nay.

Trong cuộc thử nghiệm, tầng đẩy sơ tốc giúp tên lửa đạt tốc độ cao, sau đó động cơ phản lực dòng thẳng (scramjet) được kích hoạt và đẩy quả đạn lao đi với tốc độ gấp hơn 5 lần âm thanh, tốc độ tối thiểu của các dòng vũ khí siêu vượt âm.

Quan chức Lầu Năm Góc giấu tên không cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ thử, chỉ nói rằng tên lửa hoạt động ở độ cao khoảng 20 km và vượt quãng đường gần 500 km trong chưa đầy 5 phút.

1 My Am Tham Thu Vu Khi Sieu Vuot Am

Đồ họa mô phỏng tên lửa HAWC của Lockheed Martin. Ảnh: Drive.

Vụ thử nghiệm HAWC diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nga tuyên bố sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal để tấn công kho đạn ở vùng Ivano-Frankivsk, miền tây Ukraine, và kho nhiên liệu ở tỉnh Mykolaiv phía tây nam.

Tổng thống Biden sau đó xác nhận Nga đã khai hỏa tên lửa siêu vượt âm ở Ukraine. “Đó là loại vũ khí có tác động lớn, song nó sử dụng cùng đầu đạn với các tên lửa Nga từng phóng, nên không tạo ra nhiều khác biệt ngoại trừ việc gần như không thể bị đánh chặn”, ông nói.

HAWC là chương trình phối hợp giữa DARPA và không quân Mỹ nhằm phát triển những công nghệ then chốt cho tên lửa hành trình siêu vượt âm phóng từ máy bay. Dự án này chú trọng vào các chuyến bay thử nghiệm chớp nhoáng, hiệu quả cao với mức giá phải chăng nhằm đánh giá công nghệ siêu vượt âm.

Các tập đoàn quốc phòng lớn của Mỹ như Raytheon và Lockheed Martin đang cạnh tranh để giành được hợp đồng phát triển, cung cấp tên lửa HAWC cho quân đội Mỹ. Biến thể HAWC của Raytheon đã phóng thành công trong đợt thử nghiệm hồi giữa năm 2021.

HAWC ban đầu được thiết kế để diệt mục tiêu mặt đất, sau đó được bổ sung khả năng tấn công tàu chiến để tăng lựa chọn cho các chỉ huy hải quân Mỹ. Nó có thể lắp trên nhiều máy bay của hải quân Mỹ như chiến đấu cơ tàng hình F-35C, tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet và máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon, cùng oanh tạc cơ B-1 và B-52 của không quân Mỹ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất và chưa được quân đội Mỹ xem xét.

Mỹ đang phát triển hàng loạt chương trình tên lửa siêu vượt âm nhằm thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực này với các đối thủ như Nga và Trung Quốc.

Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ John Hyten năm ngoái thừa nhận Washington tụt hậu so với Moskva và Bắc Kinh về vũ khí siêu vượt âm, cho rằng Mỹ sẽ mất nhiều năm và phải bỏ nguồn lực rất lớn để giành lại vị trí hàng đầu trong lĩnh vực này.

Nguồn: Vnexpress

Bài liên quan