NASA lập bản đồ môi trường sống bảo vệ loài nguy cấp

Qua vệ tinh quan sát từ không gian, NASA hỗ trợ các nhà bảo tồn mở rộng môi trường sống an toàn cho các loài động vật hoang dã nguy cấp như hổ, báo đốm, voi...

1 Nasa Lap Ban Do Moi Truong Song Bao Ve Loai Nguy Cap

Vệ tinh NASA đang hỗ trợ theo dõi môi trường sống của hổ để giúp bảo tồn loài động vật hoang dã này - Ảnh: Wildlife Conservation Society/Dale Miquelle

Khi dân số con người tăng lên, môi trường sống nhiều loài bị thu hẹp lại. Không có nơi ăn chốn ở, không có mồi để săn, nhiều loài đối mặt với nguy cơ biến mất mãi mãi, trong đó có hổ, báo đốm, voi.

Tìm rừng cho hổ, báo đốm

Hổ đã mất ít nhất 93% phạm vi phân bố lịch sử của chúng, vốn từng trải dài khắp Á - Âu. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học phát hiện diện tích sống của hổ đã giảm 11%, từ khoảng 1,025 triệu km2 năm 2001 xuống còn khoảng 912.000 km2 vào năm 2020.

Được Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) hỗ trợ, các nhà khoa học đã phát triển một công cụ sử dụng các quan sát của Google Earth Engine và NASA Earth để theo dõi những thay đổi trong môi trường sống của hổ.

Trên cơ sở đó, họ đã lập bản đồ những khu vực rừng rộng lớn không có sự hiện diện của hổ gần đây. "Nếu hổ có thể đến những khu vực đó, thông qua sự phân tán tự nhiên hoặc hoạt động tái hòa nhập, diện tích sinh sống của hổ có thể được tăng lên 50%", các nhà khoa học báo cáo trên tạp chí Frontiers in Protection Science.

Báo đốm từng lang thang từ tây nam nước Mỹ đến Argentina. Nhưng trong thế kỷ qua, chúng đã mất khoảng 50% phạm vi phân bố, theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

2 Nasa Lap Ban Do Moi Truong Song Bao Ve Loai Nguy Cap

Các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ khu vực bảo tồn ưu tiên cho báo đốm và các động vật quan trọng khác - Ảnh: FransLanting

Giống như hổ, báo đốm phải đối mặt với nạn săn trộm và mất nguồn thức ăn. Số lượng báo đốm hoang dã dao động từ 64.000 đến 173.000 con và IUCN xếp chúng vào loại sắp bị đe dọa.

Sử dụng máy đo quang phổ hình ảnh có độ phân giải vừa phải (MODIS) và vệ tinh Landsat dùng quan sát Trái đất, các nhà nghiên cứu đã thiết lập khu vực bảo tồn báo đốm tại Gran Chaco, vùng rừng lớn thứ hai ở Nam Mỹ, trải dài từ phía bắc Argentina đến Bolivia, Paraguay, Brazil.

Cứu lấy voi

3 Nasa Lap Ban Do Moi Truong Song Bao Ve Loai Nguy Cap

Voi thích những khu rừng có tán rậm rạp, đặc biệt là dọc theo suối - Ảnh: Derek Keats

Môi trường sống của voi châu Phi savana (tên khoa học là Loxodonta africana) hiện đang bị thu hẹp dần, chỉ còn chiếm khoảng 15% so với phạm vi phân bố của chúng trước kia. Cùng với đó, số lượng của chúng cũng đã suy giảm.

Một nghiên cứu khảo sát voi châu Phi savana từ năm 2007 đến năm 2014 ước tính số lượng của chúng đã giảm 144.000 con, chỉ còn lại khoảng 352.000 con. Vào năm 2021, IUCN đã đưa voi vào danh sách loài nguy cấp.

Một nghiên cứu gần đây đã sử dụng các chỉ số thực vật thu được từ vệ tinh của NASA và nhiều dữ liệu khác để nghiên cứu loài voi ở Khu bảo tồn quốc gia Maasai Mara của Kenya và voi ở những nơi không được bảo vệ gần đó.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy ở những nơi không được bảo vệ, voi thích những khu rừng có tán rậm rạp, dọc theo suối và tránh những nơi rộng mở như đồng cỏ. Tuy nhiên các nhà nghỉ du lịch lại thường được xây trong những khu rừng như vậy.

Từ đó, các nhà nghiên cứu đề xuất ưu tiên cho voi tiếp cận rừng ở những khu vực không được bảo vệ, còn đồng cỏ thì dùng để phát triển chăn nuôi. Điều này giúp cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế và môi trường sống của voi.

Trong khi đó voi châu Á cũng được IUCN xếp vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng. Ở miền nam Bhutan, nạn phá hoại mùa màng và động vật hoang dã tiếp cận các khu định cư của con người đang làm leo thang xung đột giữa người và voi.

Năm 2020 - 2021, nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình Nâng cao năng lực của NASA đã hợp tác với các nhóm bảo tồn ở Bhutan lập bản đồ đường đi của voi, qua đó hỗ trợ nhà chức trách vạch chiến lược giúp giảm nguy cơ xung đột giữa người và voi.

PHƯỚC AN

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan