Một số người ngủ hiếm khi mơ, hoặc cũng có thể họ chẳng còn nhớ gì khi thức dậy. Tuy nhiên có người lại thường xuyên nằm mơ với những câu chuyện lan man không đầu cuối, thậm chí là gặp ác mộng… gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Giấc ngủ là nhu cầu sinh học bình thường giúp cơ thể phục hồi sức khỏe sau một thời gian hoạt động. Khi ngủ, trạng thái hoạt động vận động và nhận thức đều giảm tối đa. Kèm theo đó là những thay đổi các chức năng cơ thể khác nhau, đặc biệt là chức năng của hệ thống thần kinh thực vật cũng như các thay đổi trong hoạt động điện não.
Giấc ngủ ngon sẽ mang lại sự phục hồi sức khoẻ (Ảnh: Playbuzz)
Giấc ngủ bình thường của chúng ta trung bình kéo dài từ 7-8 giờ (dao động từ 4-11 giờ) mỗi đêm. Giấc ngủ bình thường sau khi tỉnh giấc thấy người thoải mái, khỏe mạnh.
Hiện tượng ngủ mơ có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, tùy theo sức khỏe của mỗi người (Ảnh: livescience.com)
Ngủ là một trạng thái gồm nhiều giai đoạn không đồng nhất, các giai đoạn này luân phiên kế tiếp nhau có tính chu kỳ. Mỗi chu kỳ có hai pha: pha nhanh và pha chậm. Trong pha nhanh xuất hiện giấc mơ, và đây là một hiện tượng tâm sinh lý bình thường.
Mỗi chu kỳ giấc ngủ có thể kéo dài khoảng 90-120 phút. Mỗi đêm, giấc ngủ có khoảng 4-5 chu kỳ mà kết thúc mỗi chu kỳ có thể là một giấc mơ. Càng về sáng, pha nhanh kéo dài hơn, nghĩa là giấc mơ cũng dài hơn.
Đẹp như trong mơ, nên giắc mơ có thể là liều thuốc tinh thần cho bạn
Dù bạn muốn hay không thì những giấc mơ vẫn diễn ra hàng đêm trong các chu kỳ của giấc ngủ. Có người nhớ về giấc mơ tối qua của mình, có người thì không. Điều này hoàn toàn bình thường. Ngủ mơ giúp bộ não hàn gắn trí nhớ, giúp năng lượng cơ thể được phục hồi, ngủ mơ là một phép màu.
Nếu như có một giấc mơ “đẹp”, tinh thần bạn càng phấn chấn và thư giãn hơn. Để có được những giấc mơ đẹp, trước khi ngủ bạn nên thư giãn, quên những chuyện không vui trong ngày đi, thay vào đó hãy nhớ về những điều tốt đẹp đã xảy đến. Khi những suy nghĩ của bạn chứa đựng nhiều niềm vui, bạn sẽ mơ đẹp.
Khi nào thì ngủ mơ do bệnh lý?
Gặp ác mộng khi ngủ gây khủng hoảng tâm lý, lo lắng…(Ảnh: GeekMom)
- Ngủ quá mức, ngủ mê mệt.
- Một số trường hợp gây đái dầm, vung tay vung chân, mộng du, nói mơ…
- Thường xuyên mơ thấy ác mộng, bị ai đó báo thù…
Ngủ mơ bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
- Gây mệt mỏi, không thoải mái khi tỉnh giấc
- Có người ngủ mơ đến sang mới thức dậy, nhưng có người lại thức dậy trong khi mơ và sau đó tiếp tục ngủ lại.
- Việc giấc mơ bị phá vỡ vì bất kỳ lý do gì đều gây ra cảm giác mệt mỏi và không thoải mái khi tỉnh dậy.
- Gây khủng hoảng tâm lý, hoảng sợ, lo lắng
- Trong trạng thái khủng hoảng về tâm lý, ta sẽ gặp những giấc mơ hãi hùng hay còn gọi là ác mộng; khi thức dậy sẽ cảm thấy mệt mỏi, hoảng sợ và lo lắng.
- Ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống: Mơ quá nhiều, ngày nào cũng mơ sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây mệt mỏi, người uể oải, khó chịu… làm ảnh hưởng đến các hoạt động trong công việc và đời sống.
Làm gì để hạn chế ngủ mơ bệnh lý?
Không uống quá nhiều chất kích thích nhất là khi gần đến giờ đi ngủ (Ảnh: Moitruong.net.vn)
-
Tránh những căng thẳng về thể lực, tâm lý trước khi đi ngủ.
-
Đảm bảo chế độ ăn điều độ, luyện tập thể thao thường xuyên.
-
Không lạm dụng những chất kích thích: rượu, chè, café, thuốc ngủ..
-
Không nên ăn quá no hoặc quá đói trước khi đi ngủ.
-
Tư thế ngủ không nên để tay lên ngực, nhất là phần tim bời vì tư thế ngủ sẽ làm tim bị chèn ép, khi đó, tim sẽ co bóp chậm ảnh hưởng đến việc lưu thông máu nên não.
-
Không nên ngủ quá nhiều (chỉ nên ngủ từ 7h đến 8h/1 ngày)
Như vậy, ngủ mơ là một hoạt động tâm thần của con người trong lúc ngủ. Theo phân tâm học, đây là hiện tượng bình thường của con người phản ảnh những mong muốn, nhu cầu mà khi thức chúng ta không dám làm hoặc không thể làm được.
Trong khi mơ, người ta có nhiều biểu hiện phong phú (và phức tạp): có thể nói hoặc không nói, mỉm cười, có những động tác chân tay… Tần suất mơ tùy theo mỗi người.
Tuy nhiên, ngủ mơ kéo dài, liên tục, kèm theo các dấu hiệu mệt mỏi, chán nản, ảnh hưởng đến công việc và học tập thì người bệnh cần đến các cơ sở y tế hoặc tư vấn tâm lý để được khám và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Nguồn: Dkn.tv