Người Mỹ dần quay lưng với kem

Người Mỹ từng coi kem như "báu vật", nhưng tình yêu dành cho món ăn này dường như đã giảm nhiệt khi họ quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe.

Kem từng không chỉ là món tráng miệng đông lạnh đơn thuần tại Mỹ. Trong nhiều năm, kem nắm giữ vị trí cao trong lịch sử văn hóa và ẩm thực nước này. Theo Matt Siegel, tác giả cuốn The Secret History of Food, một số sự kiện quan trọng đã khiến kem trở thành món nổi bật ở Mỹ trong thế kỷ 20.

Đầu tiên là lệnh cấm bia rượu được ban hành vào thập niên 1920 và đầu 1930, buộc nhiều nhà máy bia tại Mỹ phải chuyển sang làm kem. Siegel cho rằng chất béo và đường trong kem trở thành thứ thay thế cho bia rượu để giúp người Mỹ "giải sầu". Kem khi đó được coi là "món ăn an ủi tâm hồn".

Ice Cream Field, ấn phẩm thương mại về kem, trong số ra tháng 5/1923 cho hay các nhà sản xuất kem khá lạc quan về triển vọng của ngành.

"Trên thực tế, họ nói rằng ngành kinh doanh kem sẽ tăng trưởng qua từng năm, bởi sẽ có ngày càng nhiều người ăn kem khi lệnh cấm bia rượu được áp dụng toàn quốc và các quán rượu ngừng hoạt động", nội dung trên ấn phẩm có đoạn.

Món kem tiếp tục nhận được sự quan tâm trong Thế chiến II, khi chính phủ Mỹ thúc đẩy sử dụng nó như một phương pháp nâng cao nhuệ khí cho binh sĩ. Chủ trương này đã góp phần nuôi sống ngành công nghiệp kem Mỹ trong một thời gian dài.

1 Nguoi My Dan Quay Lung Voi Kem

Quầy kem trên tàu chiến USS Maryland đậu tại Chicago, Illinois vào năm 1939. Ảnh: LIFE

"Mỹ đã xây các nhà máy kem ở tuyến đầu, vận chuyển những thùng kem đến hầm trú ẩn, chi hơn một triệu USD cho các sà lan chuyển kem đến khu vực Thái Bình Dương", Siegel nói.

Theo số liệu từ USDA, vào năm 1946, Mỹ đã sản xuất lượng kem tương đương hơn 10 kg cho mỗi người.

Sau chiến tranh, hệ thống cao tốc liên bang mới xây và tủ đông bán lẻ đã đưa kem đến mọi ngõ ngách. "Kem khi đó vẫn là một điều mới lạ đối với phần đông dân chúng Mỹ", theo Siegel. Đến những năm 1950, món kem được coi như báu vật của người Mỹ.

Song, sự phấn khích dành cho những ly kem hay kem ốc quế đã không còn như trước. Đồng thời, với những lo ngại ngày càng tăng về ảnh hưởng của đường đến sức khỏe, kem dần không còn được coi là món ăn lành mạnh.

Tương tự sữa nguyên béo, nước ngọt có ga, thịt đỏ, kem đã dần bị người Mỹ đưa vào danh sách những món ăn cần xem xét về tác động đến sức khỏe và môi trường.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng tiêu thụ đối với loại kem có thành phần chính từ sữa đã giảm qua nhiều năm. Vào năm 1986, trung bình mỗi người Mỹ ăn khoảng 8 kg kem. Đến năm 2021, con số này đã giảm còn 5,4 kg.

Những người Mỹ quan tâm đến sức khỏe đã quay lưng với loại thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo này, hoặc coi kem như món ăn đắt đỏ chỉ dùng vào những dịp đặc biệt.

Một trong những người đi đầu chống lại tiêu thụ kem và các sản phẩm từ sữa là John Robbins, từng là người thừa kế của gã khổng lồ ngành công nghiệp kem Baskin-Robbins.

"Tôi bắt đầu tin rằng càng ăn nhiều kem, bạn càng dễ mắc bệnh tim, tiểu đường và béo phì", tạp chí Life Extension dẫn lời John Robbins trong bài viết vào tháng 1/2022.

2 Nguoi My Dan Quay Lung Voi Kem

Người xếp hàng tại xe kem ở New York, Mỹ vào năm 2011. Ảnh: Mr. Softie Ice Cream

Robbins đã từ bỏ công việc kinh doanh của gia đình từ nhiều thập kỷ trước, sau khi người chú Burt Baskin, người đồng sáng lập hãng kem, qua đời vào năm 1967 do đau tim. Thay vào đó, ông chuyển sang tập trung vào xây dựng chế độ ăn dựa trên thực vật và ủng hộ bảo vệ động vật.

Qua nhiều năm, những lo ngại về đường càng thêm phổ biến. Lucas Fuess, nhà phân tích lâu năm về sản phẩm sữa tại Rabobank, cho rằng sức khỏe là một trong những lý do khiến kem mất dần sức hút tại Mỹ.

Ngoài ra, mọi người hiện nay có nhiều lựa chọn cho món tráng miệng hơn so với trước đây, theo ông Fuess. Tại các cửa hàng tạp hóa, kem phải cạnh tranh với bánh quy, kẹo và các loại bánh kem, cùng nhiều món tráng miệng đông lạnh khác.

Có những ý kiến cho rằng không hẳn người Mỹ không còn thích kem. Giờ đây, nhiều người thích các lựa chọn cao cấp và có vị đặc trưng, điều sẽ khiến chi phí tăng. Khi thị hiếu của người dân càng đắt đỏ, họ sẽ mua ít đi.

John Crawford, phó chủ tịch về tâm lý khách hàng tại hãng nghiên cứu tiêu dùng Circana, cho biết qua nhiều năm, kem dần được bán với kích cỡ nhỏ hơn và gia tăng về các loại hình, hương vị.

Circana ghi nhận trong giai đoạn 2018-2020, khối lượng kem được bán ở Mỹ giảm khoảng 8%, nhưng giá trị trong mỗi lần mua lại có xu hướng tăng. Thực tế là kem cỡ nhỏ đôi khi đắt hơn những phần kem cỡ lớn, đặc biệt khi đến từ những thương hiệu cao cấp.

Crawford nói thay vì mua kem theo số lượng lớn cho cả gia đình như xưa, người tiêu dùng Mỹ giờ đây chuộng mua lẻ cho riêng mình hơn. "Khi mua một phần kem lớn cho gia đình, bạn phải mua nhiều vị như vani, chocolate hay dâu. Với phần nhỏ hơn, mọi người có thể thử nhiều vị hoặc mua theo sở thích mà không phải lo rằng nó có hợp khẩu vị với tất cả hay không", ông Crawford nói.

Anh Hoàng (Theo CNN)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

Bài liên quan