Người thường xuyên căng thẳng, mất ngủ kéo dài, mắc các bệnh lý thần kinh và tai làm tăng nguy cơ rối loạn tiền đình.
Rối loạn tiền đình là tình trạng tổn thương dây thần kinh số 8 hoặc động mạch nuôi dưỡng não, làm gián đoạn quá trình dẫn truyền và xử lý thông tin của hệ thống tiền đình nằm phía sau ốc tai. Triệu chứng bệnh phổ biến như mất thăng bằng, loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn...
TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết rối loạn tiền đình đang ngày càng phổ biến, do nhiều nguyên nhân dưới đây.
Áp lực công việc và cuộc sống hàng ngày khiến người trưởng thành thường xuyên đối diện với stress, làm gia tăng sản sinh quá mức hormone cortisol trong cơ thể. Hormone này tích tụ nhiều khiến hệ thần kinh tổn thương, gây rối loạn tiền đình.
Mất ngủ kéo dài ảnh hưởng đến dây thần kinh số 8, tạo ra các sai lệch trong quá trình dẫn truyền thông tin ở tiền đình. Huyết áp thấp, thiếu máu, tai biến hoặc các bệnh lý tim mạch... ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông máu đến não, chức năng của hệ thống tiền đình, tăng nguy cơ mắc bệnh.
Người bị mất máu nhiều, rối loạn chuyển hóa như suy giáp, tiểu đường, tăng ure huyết... cũng có nguy cơ rối loạn tiền đình.
Bác sĩ khám sức khỏe thần kinh cho người bệnh tại Bệnh viện Tâm Anh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Mắc các bệnh lý thần kinh: Rối loạn tiền đình cũng có thể do hệ quả của các bệnh lý thần kinh như viêm dây thần kinh do virus, viêm tiền đình, nhiễm trùng não, nhồi máu não, xuất huyết não. Chấn thương, u não, u dây thần kinh, thiếu máu não, áp xe não, máu tụ ngoài màng cứng ở hố sau cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Mắc các bệnh lý về tai: Người bị viêm mê nhĩ, viêm tai giữa cũng cần lưu ý các triệu chứng do rối loạn tiền đình như mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai...
Rối loạn tiền đình có thể khởi phát do những nguyên nhân khác như ít vận động, thời tiết thay đổi đột ngột, phơi nhiễm với các chất độc hại, sử dụng thuốc trong thời gian dài, ô nhiễm tiếng ồn.
Người bệnh rối loạn tiền đình có nguy cơ ngã, đột quỵ, trầm cảm... Để phòng tránh bệnh, bác sĩ Tuấn khuyến cáo người lớn khám sức khỏe thần kinh định kỳ nhằm tầm soát, phát hiện và điều trị các bệnh lý thần kinh liên quan để điều trị kịp thời. Hạn chế căng thẳng, stress, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý.
Tránh ngồi quá lâu trước màn hình máy tính, điện thoại. Người làm những công việc phải tiếp xúc với thiết bị điện tử thường xuyên cần sắp xếp thời gian giải lao để thay đổi tư thế, vận động nhẹ nhàng sau mỗi 1-2 giờ ngồi làm việc liên tục. Không nên thức khuya, cần đảm bảo ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm và ngủ trước 23h.
Uống đủ lượng nước hàng ngày (khoảng hai lít nước) giúp đào thải độc tố và duy trì hoạt động khỏe mạnh của hệ thần kinh. Tăng cường vận động mỗi ngày cũng tăng cường lưu thông máu đến não, giảm căng thẳng và phòng ngừa rối loạn tiền đình.
Người bệnh rối loạn tiền đình cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để ngăn ngừa tái phát. Sử dụng thuốc theo toa kết hợp với vật lý trị liệu và phục hồi chức năng giúp cải thiện vận động của cơ thể, duy trì hệ thống tiền đình cân bằng.
Trung An