Mới đây, câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội về một cô gái dù chưa từng quan hệ tình dục nhưng phát hiện nhiễm HIV do... đi làm móng, khiến dư luận xôn xao.
Theo nội dung được chia sẻ, cô gái sinh năm 2003 này cho rằng, nguyên nhân mình mắc căn bệnh thế kỷ là do lúc lấy da thừa ở tiệm làm móng bị chảy máu, tạo cơ hội cho virus lây nhiễm.
Từ câu chuyện này, theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, làm đẹp không an toàn và thậm chí là không ít hoạt động thường ngày khác tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh tật, trong đó có HIV.
Theo BS Thiệu, ba con đường chính lây truyền HIV hiện nay là qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và truyền từ mẹ sang con.
"Phơi nhiễm HIV có thể đến từ nhiều nguyên nhân khó tin trong sinh hoạt hàng ngày", BS Thiệu cho biết.
Chẳng hạn, khi làm móng ở tiệm, thủ thuật lấy khóe có thể gây chảy máu hoặc gây xây xát cho chân móng hay kẽ móng. Nếu chiếc kìm có dính máu của bệnh nhân nhiễm HIV trước đó không được làm sạch, vô khuẩn thì có thể là một nguồn lây nhiễm.
Việc dùng chung dao cạo râu cho nhiều người hay dùng chung kim khi đi phun, xăm thẩm mỹ không được đảm bảo nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn cũng đều tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh.
Hiện nay, nhu cầu làm đẹp đang ngày càng trở nên phổ biến. Các dịch vụ làm đẹp cho chị em như phun xăm thẩm mỹ, làm móng,… mọc lên như nấm. Nhiều dịch vụ xuất hiện khắp các ngõ ngách, từ xóm, chợ đến các khu dân cư.
Với các chương trình khuyến mãi đa dạng, nhiều chị em đã không ngần ngại lựa chọn những cơ sở làm đẹp chui, không đảm bảo.
Không chỉ vậy, có nhiều cơ sở dù nhỏ lẻ nhưng lại vô cùng "đa nhiệm". Thậm chí, thợ gội đầu cũng kiêm luôn nhiệm vụ làm móng và phun xăm.
Hai chữ "nhanh" và "rẻ" đã che lấp đi mối nguy hiểm tiềm tàng phía sau. Khi nhiều cơ sở không đảm bảo các nguyên tắc an toàn khi thực hiện thủ thuật, trong đó có việc đảm bảo an toàn trong sát khuẩn dụng cụ.
"Hiện nay, với các loại thuốc và phương pháp điều trị, HIV không còn là "án tử". Người nhiễm HIV vẫn có thể có cuộc sống như bình thường." BS Thiệu phân tích.
Câu chuyện đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình).
Nếu người bị nhiễm HIV được xác định sớm và điều trị kịp thời, đúng với phác đồ bằng thuốc ARV thì sau ba tháng nồng độ virus trong máu sẽ giảm mạnh. Khi ấy, người nhiễm sẽ dần hồi phục thể trạng, khả năng lây nhiễm HIV cho người khác rất thấp.
Tuy nhiên, HIV vẫn là một căn bệnh cần được lưu tâm. Người nhiễm HIV sẽ bị suy giảm khả năng miễn dịch và gây ra bệnh AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải).
Hệ thống miễn dịch là cơ chế bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng, tăng sức đề kháng khỏi các tác nhân gây bệnh. "Nếu nhiễm HIV, cơ thể người bị nhiễm sẽ mất đi khả năng chống lại các nhiễm trùng và một số bệnh lý ác tính khác", BS Thiệu thông tin.
Nhằm phòng tránh và hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV, BS Thiệu khuyến cáo người dân cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp sau:
- Lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín, an toàn.
- Khử trùng sạch sẽ các dụng cụ làm đẹp trước và sau khi sử dụng.
- Khi đi làm móng nên mang theo dụng cụ làm móng cá nhân.
- Thực hiện thăm khám kịp thời tại các cơ sở y tế khi có triệu chứng lây nhiễm.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí