Khai thác bệnh sử các ca sởi biến chứng, ngoài việc cha mẹ sợ con tiêm vaccine sẽ bị bệnh còn có trường hợp chính nhân viên y tế ở địa phương cũng e ngại không dám tiêm cho trẻ.
Thông tin với phóng viên Dân trí sáng 18/6, bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, từ đầu năm đến nay, nơi đây đã tiếp nhận khoảng 10 trường hợp mắc bệnh sởi.
Riêng thời điểm hiện tại, có 5 ca đang nằm điều trị tại khoa. Trong đó, tất cả đều chưa tiêm vaccine ngừa bệnh.
Hai trường hợp đầu tiên là 2 bé song sinh 8 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm vaccine). Khai thác bệnh sử, ban đầu trẻ được nhập Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) rồi chuyển lên tuyến trên vì bệnh sởi biến chứng viêm phổi.
Bệnh nhi điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: BS).
Sau khi điều trị ổn định, trẻ xuất viện, nhưng 3 ngày sau lại tái phát tình trạng viêm phổi, nên cha mẹ đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1. Các bệnh nhi được theo dõi, điều trị tại khoa Nhiễm 5 ngày qua.
2 trường hợp kế tiếp đều là các bé 5 tuổi (lần lượt ngụ huyện Hóc Môn và Bình Chánh), chưa tiêm vaccine vì cha mẹ "quên" và "ngại chích vì sợ bé bệnh".
Trường hợp còn lại là một cháu bé 4 tuổi, có bệnh nền não úng thủy. Khi cha mẹ đưa bé đến cơ sở tiêm chủng địa phương, nhân viên y tế vì lo ngại sẽ xảy ra ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe nên không dám tiêm cho trẻ. Sau đó, bệnh nhi phát hiện bệnh sởi, phải nhập viện.
Theo bác sĩ Quy, nếu điều trị trễ, bệnh sởi sẽ gây ra nhiều hậu quả cho trẻ, như viêm phổi nặng, biến chứng viêm não, sốt co giật, hôn mê, nguy hiểm tính mạng. Ngoài ra, bệnh nhi khi khỏi bệnh cũng thường bị suy dinh dưỡng sau đó, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Trẻ mắc bệnh sởi điều trị trễ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm (Ảnh: BS).
Để phòng chống bệnh sởi, việc tiêm vaccine đóng vai trò rất quan trọng. Nếu lo ngại trẻ ảnh hưởng đến sức khỏe vì có bệnh nền, phụ huynh có thể đưa con em đến các bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến trên để tiêm cho bé.
"Hiện nay, ngay cả trẻ có bệnh nền động kinh, huyết học, bệnh tim bẩm sinh, thận hư… chúng tôi đều có thể tiêm chủng và theo dõi được hết. Nếu không tiêm ngừa thì khi phát bệnh, những trẻ này có nguy cơ biến chứng nặng hơn bình thường.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai cũng phải đi chích ngừa, bởi khi mắc bệnh chẳng những có nguy cơ cho mẹ mà có thể dọa sẩy thai, con sinh non, nhẹ ký", bác sĩ Quy cảnh báo.
Bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị có tổng cộng 32 bệnh nhi từ 3 tháng tuổi đến 5 tuổi mắc sởi. Trong đó, trên 90% là trẻ chưa tiêm vaccine, chỉ có 1-2 trường hợp mới tiêm được mũi 1. Một số bệnh nhi có biến chứng viêm phổi.
Trẻ phát ban toàn cơ thể do sởi (Ảnh: BV).
Về nguyên nhân khiến trẻ chưa được tiêm ngừa, bác sĩ Nam cho biết, ngoài vấn đề khoảng trống tiêm chủng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lo lắng con sẽ bị bệnh sau tiêm, còn có một bộ phận người dân mang tâm lý anti vaccine nói chung. Điều này có thể gây hại cho trẻ khi nhiễm bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh không thể trì hoãn việc tiêm vaccine ngừa sởi với trẻ đã đến tuổi. Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông, tổ chức những chiến dịch tiêm nhắc vaccine trong cộng đồng cho cả người lớn chưa được tiêm.
"Hiện tại, vaccine đã có đầy đủ, rộng rãi từ Trung ương đến địa phương. Phụ huynh cần chích ngừa ngay cho con em để đảm bảo an toàn, khi chỉ còn vài tuần nữa là bước vào mùa học mới", bác sĩ Quy nói.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí