Trong lịch sử loài người, từng có những đại dịch lớn xảy ra cướp đi sinh mạng của hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới.
Trang phục phòng bệnh dịch hạch của các bác sĩ thời đại dịch Cái chết đen. Ảnh chụp màn hình
Một số đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử đã hủy diệt toàn bộ các nền văn minh và khiến các quốc gia hùng mạnh một thời phải quỳ gối, giết chết hàng triệu người. Trong khi những đợt bùng phát dịch bệnh khủng khiếp này vẫn đe dọa nhân loại, nhờ những tiến bộ của khoa học, y tế mà chúng ta không còn phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc như tổ tiên chúng ta.
Dưới đây là 4 đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử mà loài người từng phải chịu đựng, theo xếp hạng của History.com.
1. Bệnh dịch hạch thời Justinian
Ba trong số những đại dịch chết người nhất trong lịch sử được ghi lại là do một loại vi khuẩn: Yersinia pestis, còn được gọi là bệnh dịch hạch.
Bệnh dịch hạch xảy ra tại Constantinople, thủ đô của Đế chế Byzantine, vào năm 541 Sau Công nguyên. Bệnh dịch đã tàn phá Constantinople và lan rộng khắp Châu Âu, Châu Á, Bắc Phi và Arab, giết chết ước tính từ 30 đến 50 triệu người, khoảng một nửa dân số thời điểm đó.
2. Dịch bệnh Cái chết đen
Bệnh dịch hạch không bao giờ thực sự biến mất. 800 năm sau khi dịch bệnh Justinian kết thúc, căn bệnh này đã quay lại và lây lan khắp Châu Âu. Dịch bệnh Cái chết Đen đã tấn công Châu Âu vào năm 1347, cướp đi sinh mạng của 20 triệu người chỉ sau 4 năm.
Vào thời điểm dịch bệnh xảy ra, mọi người vẫn chưa có hiểu biết khoa học về sự lây lan, nhưng họ biết rằng nó có liên quan đến sự tiếp xúc giữa người với người. Đó là lý do tại sao các quan chức có tư tưởng tiến bộ ở thành phố cảng Ragusa do Venice kiểm soát đã quyết định cách ly các thủy thủ mới đến cho đến khi họ chứng minh được họ không nhiễm bệnh.
Một bức tranh vẽ lại cảnh dịch bệnh hoành hành ở Pháp. Ảnh chụp màn hình
3. Đại dịch hạch ở London
Sau sự kết thúc của Cái chết đen, bệnh dịch lại bùng phát khoảng 10 năm một lần từ năm 1348 đến năm 1665, tức là 40 lần bùng phát chỉ trong hơn 300 năm tại London. Và với mỗi trận dịch hạch mới, khoảng 20% đàn ông, phụ nữ và trẻ em sống ở thủ đô nước Anh đã thiệt mạng.
Đến đầu những năm 1500, nước Anh áp đặt những đạo luật đầu tiên nhằm tách biệt và cách ly những người bệnh. Những ngôi nhà bị bệnh dịch hạch đánh dấu bằng một mớ cỏ khô được buộc vào cột bên ngoài. Nếu bạn có các thành viên trong gia đình bị nhiễm bệnh, bạn phải mang theo buộc một mảnh băng trắng khi đi ra nơi công cộng. Người ta cũng tin rằng chó và mèo là nguyên nhân mang mầm bệnh, vì vậy đã có một cuộc tàn sát động vật lên tới hàng trăm nghìn con.
Đại dịch hạch năm 1665 là lần lây lan cuối cùng của dịch hạch và là một trong những trận dịch tồi tệ nhất. Đại dịch đã giết chết 100.000 người London chỉ trong vòng 7 tháng. Tất cả các hoạt động giải trí công cộng đều bị cấm và các nạn nhân buộc phải đóng cửa trong nhà của họ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
4. Bệnh đậu mùa
Bệnh đậu mùa là bệnh đặc hữu của Châu Âu, Châu Á và Arab trong nhiều thế kỷ. Đây là một mối đe dọa dai dẳng với tỉ lệ cứ mười người nhiễm bệnh thì có ba người chết. Nhưng tỉ lệ tử vong ở Châu Âu chưa nặng nề bằng những gì virus đậu mùa gây ra tại Châu Mỹ khi chúng cùng đến lục địa này cùng những nhà thám hiểm Châu Âu đầu tiên vào thế kỷ 15.
Các dân tộc bản địa của Mexico và Mỹ ngày nay không có khả năng miễn dịch tự nhiên đối với bệnh đậu mùa. Do đó, rất nhiều người bản địa đã chết do virus này.
Nhiều thế kỷ sau, bệnh đậu mùa trở thành dịch bệnh do virus đầu tiên được chấm dứt bằng vaccine.
Nguồn: Báo Lao động