Nỗ lực bất thành của Mỹ nhằm tìm chiến thắng tại Việt Nam bằng máy tính

Cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam diễn ra vào thời kỳ những công nghệ làm thay đổi thế giới đang phát triển bùng nổ, đặc biệt là máy tính. Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào máy móc mà quên đi yếu tố con người đã đóng góp vào nhiều quyết sách sai lầm củagiới chức Mỹ.

132 1 No Luc Bat Thanh Cua My Nham Tim Chien Thang Tai Viet Nam Bang May Tinh

(Từ trái qua phải) Ngoại trưởng Dean Rusk, Tổng thống Lyndon Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara trong một cuộc họp tại Nhà Trắng. Ảnh: Wikipedia. 

Giáo sư James Willbanks, nguyên trưởng Khoa Lịch sử quân sự tại Trường Sĩ quan Chỉ huy và tham mưu thuộc Bộ tư lệnh Lục quân Mỹ, kể lại một câu chuyện hư cấu như sau: Năm 1967, các chuyên gia phân tích đã nhập mọi số liệu thu thập được về cuộc chiến, như tiềm lực quân sự, dân số, kinh tế… của hai bên vào một siêu máy tính dưới tầng hầm Lầu Năm Góc. Sau đó, họ chạy chương trình tính toán để trả lời câu hỏi: “Khi nào nước Mỹ chiến thắng ở Việt Nam?”. Sau hai ngày, máy tính cho ra kết quả: “Nước Mỹ thắng vào năm 1965”.

Câu chuyện được lan truyền vào giai đoạn cuối của cuộc chiến này là sự chế giễu tư tưởng coi trọng quá mức các dữ liệu, đồ thị và chỉ số của chính giới Mỹ khi đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, người ủng hộ nhiệt thành việc ứng dụng những công nghệ tối tân nhất cho chiến tranh, có học vị Thạc sĩ kinh tế và hơn 15 năm kinh nghiệm làm quản lý cho các công ty lớn trước khi đứng đầu Lầu Năm Góc.

McNamara chủ trương sử dụng “phương pháp phân tích định lượng bằng máy tính”, dùng công nghệ mang tính bước ngoặt này để đánh giá hiệu quả tác chiến của các lực lượng Mỹ và đồng minh tại Việt Nam, từ đó giúp hoạch định chiến lược và lên kế hoạch tác chiến với tốc độ và độ chính xác cao hơn rất nhiều so với trước kia.

132 2 No Luc Bat Thanh Cua My Nham Tim Chien Thang Tai Viet Nam Bang May Tinh

Bên trong một phòng máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ những năm 1960. Ảnh: AP. 

Một trong những chương trình ứng dụng máy tính tiêu biểu là “hệ thống đánh giá ấp dân cư” (Hamlet Evaluation System - HES) nhằm theo dõi khả năng kiểm soát vùng nông thôn của chính quyền Sài Gòn trong giai đoạn 1967-1973.

Chương trình này khảo sát 12.000 làng mạc ở miền Nam Việt Nam nhằm đánh giá tính hiệu quả của quá trình “bình định” những vùng có Quân Giải phóng. Trong khoảng thời gian 4 năm chương trình hoạt động mạnh nhất, các máy tính đã xử lý hơn 4,3 triệu trang dữ liệu, tương đương khoảng 90.000 trang mỗi tháng. Mọi đồ thị, số liệu được công bố đều thể hiện rằng qua các năm, Mỹ và đồng minh đang chiến thắng. Diện tích kiểm soát của chính quyền Sài Gòn tăng dần, trong khi diện tích lãnh thổ trong tay Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP) giảm dần.

Tuy nhiên, vì sức ép chính trị trong nước, chính quyền của Tổng thống Lyndon Johnson và sau là Richard Nixon muốn nhìn thấy những báo cáo tích cực. Mong muốn mang tính chủ quan này khiến đội ngũ thống kê, phân tích phải tạo một “bức tranh màu hồng” bằng cách lọc ra dữ liệu có lợi để trình bày. Trong khi đó, những thông tin dù chính xác nhưng bất lợi bị che giấu hoặc bỏ qua.

Đối với chương trình HES, các quan chức và chiến lược gia Mỹ đều công nhận máy tính là công cụ vô cùng hữu ích để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ. Nhưng khối lượng công việc lớn, kết hợp với mong muốn chủ quan của cấp trên đã giảm độ chính xác của dữ liệu ngay từ trước khi nhập vào máy tính.

Một khi những thông tin đầu vào đã bị con người làm cho sai lệch, máy tính dù có hiện đại đến đâu cũng không thể đưa ra kết quả thống kê chính xác.

Đối với những báo cáo về tình hình chiến sự, hậu quả của việc che giấu thông tin còn gây thiệt hại nặng nề hơn về chính trị. Tiêu biểu là việc tướng William Westmoreland, tổng chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Việt Nam giai đoạn 1964-1968 đã ra lệnh giới hạn số lượng binh sĩ MTDTGP trong các báo cáo chiến trường, thậm chí che giấu sự hiện diện của nhiều đơn vị Quân Giải phóng, khiến mọi thông tin sau khi được tổng kết đều đánh giá thấp lực lượng MTDTGP.

Các báo cáo thiếu sót củng cố thêm lòng tin của chính giới Mỹ vào những nhận định sai lầm, dẫn tới việc tới năm 1968, Washington điều thêm hơn 110.000 quân tới Việt Nam. Sự xa rời thực tế này trở thành một trong những tâm điểm phê phán của dư luận nhằm vào chính phủ Mỹ, góp phần làm phong trào phản chiến lan rộng hơn, đặc biệt sau khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân nổ ra.

Theo Richard Goodwin, người viết diễn văn cho Tổng thống John Kennedy và Lyndon Johnson, không một chuyên gia về văn hóa Việt Nam nào có mặt trong các cuộc họp. Washington đã quá “say sưa” với các số liệu, biểu đồ, để rồi cố gắng tính toán những thứ không thể quy đổi ra các con số.

Ông Goodwin nhấn mạnh, những yếu tố như mục đích của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ý chí của MTDTGP, nguyện vọng của người dân Việt Nam, tình hình chính trị của chính quyền Sài Gòn mới mang tính quyết định. Tuy nhiên, những yếu tố đó đã gần như bị phớt lờ, bởi không thể mô tả chúng dưới dạng các đồ thị hay phép toán.

ĐĂNG SƠN (tổng hợp theo Forbes, The Atlantic…)

Nguồn: qdnd.vn

Bài liên quan