Khởi đầu với nhiều nghi ngờ, vaccine từ Novavax – một công ty nhỏ của Mỹ – có thể sẽ vượt qua cái bóng của công nghệ mRNA để dần chứng minh “phép màu” của mình.
Tháng 1/2020, Novavax thông báo tham gia cuộc đua sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Hơn một năm rưỡi sau, hãng này cho biết vaccine của họ có hiệu quả tới 90% và có thể chống lại một số biến thể của SARS-CoV-2. Đến ngày 2/7, hãng dược này cho biết họ đã có trong tay hợp đồng cung cấp vaccine cho Đài Loan thông qua cơ chế COVAX.
Không giống như những loại vaccine khác được tung hô đầy rẫy trên các trang nhất, truyền thông khá “lạnh nhạt” với Novavax. Và sự khác biệt này nằm ở yếu tố duy nhất: thời điểm.
Vào thời điểm Novavax được chính phủ Mỹ bật đèn xanh, nước Mỹ đã “bơi trong vaccine”, với 3 loại vaccine được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt, tờ New York Times đưa tin.
Thế nhưng, trong lúc thế giới vẫn thiếu vaccine, các nước nghèo tranh nhau những liều vaccine Pfizer và Moderna của các nước giàu, Novavax có thể sẽ chứng tỏ sự quan trọng của nó trong tương lai gần. Hơn thế nữa, không giống Pfizer và Moderna, Novavax mang lại hy vọng về một loại vaccine với giá cả thân thiện hơn, dễ dàng bảo quản hơn.
Khởi đầu chậm
Gần 2 năm trước, hãng dược nhỏ Novavax suýt phải đối mặt với tình trạng phá sản, sau thất bại của cuộc thử nghiệm vaccine thứ 2 trong vòng chưa đầy 3 năm.
Thế nhưng đại dịch Covid-19 đã tạo ra bước chuyển mình ngoạn mục đối với một công ty ít tên tuổi, đang đứng trước bờ vực sụp đổ.
Vào cuối tháng 2/2020, khi virus corona bắt đầu lây lan khắp thế giới, tiến sĩ Richard Hatchett, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận chuyên tài trợ phát triển vaccine, đã nhận được cuộc gọi quan trọng để thảo luận về các ứng cử viên mới sau khi máy bay hạ cánh tại Sân bay Heathrow ở London, Anh.
Và Novavax đã lọt vào “tầm ngắm”. Mặc dù công ty có trụ sở tại Gaithersburg, bang Maryland, chưa bao giờ đưa vaccine ra thị trường trong suốt lịch sử 33 năm, nhưng các chuyên gia kỳ vọng công nghệ đặc biệt sẽ giúp Novavax vượt xa các đối thủ cạnh tranh.Vaccine Novavax chứa protein gai được tạo ra bởi các tế bào bướm đêm bị nhiễm virus biến đổi gen.
Vaccine Novavax chứa protein gai được tạo ra bởi các tế bào bướm đêm bị nhiễm virus biến đổi gen. Ảnh: AFP. |
Novavax bắt đầu nghiên cứu vaccine virus corona vào tháng 1/2020, khi bộ gene của virus Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc lần đầu tiên được công bố.
Khác với loại vaccine vector sử dụng virus vô hại như AstraZeneca hay vaccine Pfizer với công nghệ mRNA mang mã thông tin, Novavax được biết đến là vaccine protein. Theo đó, nó chứa các protein gai được tạo ra bởi các tế bào bướm đêm bị nhiễm virus biến đổi gene.
Các nhà khoa học “thu hoạch” và kết nối các protein gai này với hạt nano. Các hạt nano này được kết hợp với protein gai và tạo thành vaccine chống dịch.
Chỉ 3 ngày sau khi mẫu gen của virus Covid-19 được công bố, ông Gregory Glenn, giám đốc nghiên cứu và phát triển của Novavax, đã yêu cầu nhân viên đặt hàng ngay lập tức từ một nhà cung cấp gene protein đột biến của virus để nghiên cứu.
Tuy nhiên, gene của protein đột biến đã đến chậm. Đến ngày 3/2/2020, phó chủ tịch đơn vị cung cấp mới giao chiếc lọ có nắp đỏ mang gene đến tòa nhà màu be của Novavax.
Lúc đó, loại virus này vẫn chưa được đặt tên chính thức và lọ thuốc có dãn nhãn “Cov/Wuhan”. Novavax chính thức bước vào cuộc đua chế ngự đại dịch.
Các nhà khoa học của công ty bắt đầu làm việc “với tốc độ điên cuồng”, ông Glenn cho biết.
Khi trình tự gene virus được gửi đến Gaithersburg, bang Maryland, các nhà nghiên cứu đã dành nhiều tuần để tạo ra hơn 20 phiên bản của protein đột biến, nhằm mục đích tạo ra một sản phẩm có hiệu quả miễn dịch cao nhất có thể.
Tuy nhiên, khác với các dạng khác, các nhà phát triển vaccine protein như Novavax phải phát triển phiên bản protein đột biến của riêng họ.Và để kích thích phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, hầu hết loại này sẽ cần thêm hợp chất bổ sung, được gọi là chất bổ trợ.
Bước bổ sung đó làm cho vaccine protein phát triển chậm hơn so với các dạng mang mã thông tin di truyền.
Tất yếu, đối thủ cạnh tranh của Novavax đã đi trước một bước. “Không có nghi ngờ gì (rằng chúng tôi) đứng sau”, ông Glenn nói.Trụ sở chính của Novavax ở Gaithersburg, bang Maryland, Mỹ.
Trụ sở chính của Novavax ở Gaithersburg, bang Maryland, Mỹ. Ảnh: Shutterstock. |
Và sự chậm chân ấy đã giúp các đối thủ của hãng vaccine này giành ưu thế lớn.
Sự xuất hiện nhanh chóng của các loại vaccine áp dụng công nghệ mới mRNA (axit ribonucleic thông tin) được báo chí Mỹ mô tả là “chiến thắng của mRNA”, “ bước ngoặt trong lịch sử của vaccine ” và “ thay đổi ngành công nghệ sinh học mãi mãi”.
Về đích chậm
Bên cạnh việc phải đối mặt với cái bóng của các “ông lớn” trong ngành, Novavax còn vấp phải nhiều nghi ngờ về cách một công ty đang gặp khó khăn giành được hợp đồng tài trợ hàng tỷ USD.
Khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng Chiến dịch Thần tốc nhằm hỗ trợ các công ty sản xuất vaccine, hãng đã nhận được 1,6 tỷ USD tài trợ cho việc thử nghiệm và bảo đảm phân phối 100 triệu liều.
Nhưng nhiều người xem thường Novavax như ví dụ điển hình về một công ty hạng hai đã sống sót bằng cách đi “khập khiễng” từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác.
Một công ty chỉ cố gắng kiếm tiền tài trợ bằng cách hứa hẹn sẽ có vaccine cho những đợt bùng phát mới nhưng không bao giờ phân phối.
Trước khi đại dịch diễn ra, trong ba thập kỷ kinh doanh, Novavax đã phát triển vaccine thử nghiệm cho các loại virus như SARS, MERS và Ebola, nhưng chưa sản phẩm nào vượt qua các nghiên cứu an toàn ban đầu.
Thậm chí, đã có lúc, cổ phiếu của Novavax đã giảm xuống dưới 1 USD trong 30 ngày liên tiếp, khiến sàn giao dịch chứng khoán Mỹ NASDAQ đưa ra cảnh báo phá sản.
Những lời chỉ trích càng tồi tệ hơn khi đầu tháng 5 này, Novavax thông báo chậm trễ chuyển giao vaccine.
Vào tháng 1, công ty ước tính rằng họ sẽ đạt công suất sản xuất tối đa 150 triệu liều/ tháng vào giữa năm nay. Tuy nhiên, bức tranh tươi đẹp này đã không thể thành hiện thực khi Novavax phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu cần thiết như bộ lọc và túi sử dụng một lần trong sản xuất vaccine.Nhân viên đang kiểm tra các mẫu xét nghiệm trong thử nghiệm Novavax giai đoạn 3
Nhân viên đang kiểm tra các mẫu xét nghiệm trong thử nghiệm Novavax giai đoạn 3 |
Bên cạnh đó, một trong những đối tác sản xuất lớn của hãng, Viện Serum ở Ấn Độ, cũng gặp phải nhiều vấn đề.
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào đầu năm nay đã làm giảm công suất sản xuất của cơ sở này. Tình hình dịch bệnh Ấn Độ cũng khiến chính phủ kêu gọi ưu tiên trong nước, trong khi giám đốc điều hành của Viện Serum, ông Adar Poonawalla, liên tục yêu cầu Mỹ ngừng chặn xuất khẩu nguyên liệu thô sản xuất vaccine.
Vaccine mRNA phi thường, nhưng thế giới cần Novavax
Mặc dù phải đối mặt với nhều nghi ngại, nguồn tài trợ từ chính phủ và các tổ chức từ thiện đã giúp Novavax vượt qua những “cơn bão”.
“Thị trường muốn tin vào những câu chuyện cổ tích. Các nhà đầu tư muốn tin rằng giống như Cinderella, những công ty không thể đi đến vũ hội vẫn có thể giành được hoàng tử”, ông David Maris, chuyên gia phân tích ngành dược, ví von.
Và Novavax đang dần cho thế giới thấy cách câu chuyện ấy thành hiện thực.
Gần đây, theo kết quả nghiên cứu được thực hiện trên diện rộng, với 30.000 người tình nguyện tham gia (từ 18 tuổi trở lên) ở Mỹ và Mexico, vaccine Novavax đã đạt hiệu quả trên 93% đối với các biến thể đang được nhà khoa học và giới chức y tế quan tâm.
Bên cạnh đó, khác với Pfizer và Moderna có cách tiếp cận mới – sử dụng công nghệ mRNA – khiến việc sản xuất, phân phối trở nên khó khăn và đắt đỏ, vaccine do Novavax phát triển đang thể hiện những ưu thế vượt trội của mình.
Vaccine của hãng có thể được trữ ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường, không cần yêu cầu trữ lạnh sâu.
Ngoài ra, tác dụng phụ sau tiêm cũng được đánh giá là ít nghiêm trọng hơn. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho thấy khoảng 40% những người tiêm mũi thứ 2 vaccine Novavax ghi nhận mệt mỏi, trong khi đó con số này ở người tiêm Moderna là 65% và hơn 55% với Pfizer.
Giám đốc điều hành Stanley Erck của Novavax cũng cho hay đến nay chưa có báo cáo nào về tình trạng máu đông hoặc vấn đề về tim.Một người tham gia thử nghiệm giai đoạn 3 của Novavax tại Đại học Howard, Washington.
Một người tham gia thử nghiệm giai đoạn 3 của Novavax tại Đại học Howard, Washington. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, Novavax có thể phải chờ tới tháng 9 mới xin cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine của mình ở Mỹ. Tại thời điểm đó, vaccine có thể không tạo nhiều khác biệt với chương trình tiêm chủng ở nước này.
Dẫu vậy, sự xuất hiện của các biến thể mới như Delta vẫn khiến nhu cầu về vaccine trên thế giới rất cao. Và vaccine thứ 4 được cấp phép tại Mỹ sẽ giúp thế giới có thêm “vũ khí” để chống lại đại dịch, cũng như là một sự lựa chọn mới cho những người còn chưa hoàn toàn tin tưởng vào công nghệ mới mRNA tại Mỹ.
Nguồn: Zing