Nước Anh không muốn chịu đựng thêm sự gia tăng ảnh hưởng của Liên Xô sau Thế chiến II và họ sẵn sàng khởi động ngay Thế chiến III từ năm 1945. Chỉ đến khi họ tỉnh táo tính đến quy mô và sức mạnh của Hồng quân thì Anh mới chịu từ bỏ ý định đè bẹp Liên Xô bằng vũ lực.
Vào đầu tháng 5/1945, Liên Xô và các đồng minh phương Tây cuối cùng cũng đánh bại hoàn toàn nước Đức Quốc xã bằng những đòn trời giáng từ cả phía Đông và phía Tây.
Châu Âu khi đó đã bị tàn phá sau nhiều năm chiến tranh. Cuối cùng, hòa bình – điều được mong đợi từ lâu, cũng đã đến. Khi ấy, ý tưởng về một cuộc xung đột vũ trang mới có thể bùng nổ là điều tưởng như không thể. Thế nhưng vẫn có những người tính tới khả năng đó.
Thủ tướng Anh Churchill từng muốn tiêu diệt Liên Xô bằng biện pháp quân sự ngay sau Thế chiến II. Ảnh ghép: RBTH.
Ngay trước khi các hoạt động ăn mừng chiến thắng trước phát xít Đức kết thúc, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã chỉ thị cho quân đội nước này xây dựng kế hoạch tấn công Liên Xô, dự kiến diễn ra vào mùa hè 1945.
Kẻ thù không đội trời chung
Thủ tướng Churchill là một đối thủ không khoan nhượng với chủ nghĩa Bolshevik. Tuy nhiên, ông đã trở thành một đồng minh kiên định của lãnh tụ Liên Xô Stalin trong cuộc đấu tranh chung chống lại nước Đức Quốc xã. Nhưng khi Hồng quân tiến ngày một sâu vào châu Âu và Liên Xô thiết lập các chế độ thân họ ở các vùng vừa giải phóng, tâm trạng của ông Churchill đã thay đổi.
Ông Churchill đã viết cho Ngoại trưởng Anthony Eden như sau vào ngày 4/5 năm đó: “Những điều khủng khiếp đã xảy đến. Một cơn thủy triều của sự thống trị Nga đang tràn về phía trước… Sau khi thủy triều đó quét qua, các lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Nga sẽ bao gồm các tỉnh Baltic, toàn bộ Đông Đức, toàn bộ Tiệp Khắc, một phần lớn diện tích của Áo, toàn bộ Nam Tư, Hungary, Romania, và Bulgaria”.
Thủ tướng Churchill không nghĩ được gì khác ngoài mối “đe dọa khủng khiếp” mà Liên Xô tạo ra cho “thế giới tự do”. Mười năm sau, vào năm 1955, Churchill viết trong hồi ký về suy nghĩ của mình giữa những tháng ngày đó: “Nhật Bản vẫn chưa bị chinh phục. Bom nguyên tử vẫn chưa được sinh ra. Thế giới thì hỗn loạn. Sợi dây liên kết chính khi cùng đối mặt nguy hiểm – sợi dây từng đoàn kết các nước đồng minh, giờ đã biến mất. Trong mắt tôi, mối nguy từ Liên Xô giờ đã thay thế cho kẻ thù Quốc xã”.
Vào ngày 22/5/1945, nhà lãnh đạo Anh cuối cùng đã nhận được bản kế hoạch ông mong chờ từ lâu, đó là “Chiến dịch Unthinkable (“không thể tưởng tượng nổi”)” từ Ban tham mưu liên hợp của Ủy ban chiến tranh Anh Quốc.
Phiên bản chiến dịch “Barbarossa” của Anh
Mục đích chiến dịch quân sự chống Liên Xô này được ghi rõ là để “áp đặt lên Nga ý chí của Mỹ và Đế chế Anh”. Cách trình bày mơ hồ này hàm ý việc đánh đuổi Hồng quân và lực lượng chính trị Xô viết ra khỏi lãnh thổ Đức và Ba Lan.
Nếu chiến dịch này bắt đầu vào ngày 1/7/1945, 47 sư đoàn Anh và Mỹ (bao gồm 14 sư đoàn thiết giáp) sẽ mở 2 cuộc tiến công mãnh liệt vào các lực lượng Xô viết ở miền Bắc và miền Nam nước Đức. Sau khi đạt thành công chiến dịch, họ sẽ đột kích vào Ba Lan.
Ngoài lực lượng chủ lực, chiến dịch này dự kiến sẽ tái lập và tái vũ trang 10 sư đoàn gồm các thành viên thuộc quân đội phát xít Đức trước đây, đồng thời đưa các đội hình vũ trang Ba Lan chống Liên Xô vào quấy phá sau lưng Hồng quân. Người ta nhấn mạnh rằng các đồng minh phương Tây có một lợi thế về lực lượng hải quân và không quân chiến lược.
Giới lãnh đạo Anh đánh cược vào một thất bại nhanh chóng của lực lượng Liên Xô, khiến họ phải khuất phục (ít nhất là tạm thời) trước ý chí của các đồng minh phương Tây và chấp nhận đàm phán. Nếu kịch bản này không xảy ra, xung đột vũ trang được phép leo thang thành chiến tranh tổng lực.
Chiến dịch bất khả thi
Khi đề xuất lên Churchill kế hoạch tấn công Liên Xô, các tướng lĩnh Anh đã không chỉ ra được tính phức tạp trong triển khai. Chiến tranh tổng lực dự kiến sẽ dài lâu và tốn kém. Từ kinh nghiệm của phát xít Đức, việc chiếm đóng các lãnh thổ rộng lớn của Liên Xô không làm cho chế độ chính trị ở đó sụp đổ, cũng không chấm dứt được phong trào kháng chiến của một đối thủ có “nguồn nhân lực khổng lồ”.
Bất chấp ưu thế của hải quân Đồng minh trên biển, lực lượng này cuối cùng gần như không đóng vai trò đáng kể nào trong một cuộc chiến như vậy.
Lá bài mạnh thứ 2 - lợi thế tổng lực của không quân chiến lược (2.750 máy bay ném bom của phe Đồng minh đối chọi với 960 máy bay của Hồng quân) cũng khó triển khai thành công: Khoảng cách tới các cơ sở công nghiệp của Liên Xô là rất lớn, đã vậy các cơ sở đó lại nằm phân tán trên lãnh thổ rộng lớn của Liên Xô, khiến cho việc triển khai máy bay tấn công vào các cơ sở đó không hiệu quả như trường hợp tấn công nước Đức.
Tuy vậy, nhân tố chính khiến “Chiến dịch Unthinkable” bất khả thi chính là quân số khổng lồ của Hồng quân. Theo tính toán của Anh, để đối phó với 47 sư đoàn của Anh và Mỹ, Liên Xô có thể tung ra một lực lượng to lớn tương đương 170 sư đoàn của phe phương Tây, trong đó có tới 30 sư đoàn thiết giáp.
Báo cáo của Anh có đoạn: “Thế cân bằng sức mạnh hiện nay ở Trung Âu, nơi Nga sở hữu ưu thế xấp xỉ 3 trên 1, khiến phe Đồng minh gần như không thể giành được một chiến thắng hoàn toàn và quyết định ở khu vực đó trong hoàn cảnh hiện nay… Mặc dù tổ chức của Đồng minh là tốt hơn, thiết bị nhỉnh hơn, tinh thần cao hơn, nhưng người Nga đã chứng tỏ là đối thủ đáng sợ của người Đức. Họ có các chỉ huy có năng lực, thiết bị đầy đủ, và một cơ cấu dù có thể kém hơn tiêu chuẩn của chúng ta nhưng đã vượt qua thử thách trong thực tế”.
Các chuyên gia quân sự tin rằng Liên Xô có thể chiếm Na Uy, Hy Lạp, và Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ vậy sẽ cắt đứt sự tiếp cận của hạm đội Anh và Mỹ đối với Biển Đen nếu như xung đột thực sự nổ ra. Hơn nữa, triển vọng Nga liên minh với Nhật Bản là hoàn toàn có thể xảy ra.
Từ tấn công chuyển sang phòng ngự
Khi tài liệu về kế hoạch tấn công được đặt lên bàn Thủ tướng Anh, Tổng tham mưu trưởng Thống chế Alan Brook công khai tuyên bố rằng cơ hội thành công của chiến dịch này là rất nhỏ và giờ đây Nga đã trở thành một thế lực mạnh thực sự.
Cuối cùng, với tâm trạng nặng trĩu, Thủ tướng Winston Churchill đã từ bỏ ý tưởng tấn công Hồng quân và đã không khởi động bất cứ cuộc bàn thảo nào về chủ đề này với đối tác Mỹ. Thay vào đó, ông thông qua một kế hoạch phòng thủ Quần đảo Anh, kế hoạch này vẫn mang tên Unthinkable. Chính trị gia này lo sợ rằng nếu Mỹ rút hầu hết quân của mình khỏi châu Âu, lãnh tụ Liên Xô Stalin sẽ chắc chắn không bỏ lỡ cơ hội này để chinh phục toàn bộ lục địa.
Trên thực tế, Liên Xô đã kiệt sức sau cuộc chiến tàn khốc với Đức Quốc xã, nên sẽ không phát động bất cứ cuộc chiến quy mô đầy đủ nào trên châu Âu. Trong bối cảnh ấy, vào ngày 23/6/1945, luật về phục viên lục quân và hải quân đã được ban hành. Trong một vài năm sau đó, lực lượng vũ trang Liên Xô đã được cắt giảm từ 11 triệu người xuống còn 3 triệu người.
Ngoài ra, số lượng vũ khí khí tài của Liên Xô đóng ở Đông Âu và Nam Âu cũng giảm đáng kể. Chỉ một thời gian sau, quân đội Liên Xô mới quay trở lại nơi đây, khi thế giới đã thực sự bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh./.
Trung Hiếu
Nguồn: vov.vn