Quốc hội Ý đã thông qua lệnh cấm thịt nhân tạo sau nhiều tháng tranh luận. Người vi phạm có thể bị phạt lên tới 60.000 euro (65.800 USD).
Bánh mì kẹp thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm - Ảnh: David Parry/PA Wire/AP
Ý đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm sản xuất, bán và nhập khẩu thịt nhân tạo - loại thịt được sản xuất bằng cách nuôi cấy tế bào động vật trong phòng thí nghiệm, thay vì thông qua việc giết mổ động vật.
Lệnh cấm nói trên cũng bao gồm việc sử dụng các từ đề cập đến các sản phẩm thịt truyền thống, như "xúc xích Ý" hay "bít tết", để tiếp thị các sản phẩm thay thế thịt làm từ thực vật.
Quốc hội Ý đã thông qua lệnh cấm nói trên sau nhiều tháng tranh luận. Những đối tượng vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt lên tới 60.000 euro (65.800 USD).
Bộ trưởng Nông nghiệp Ý Francesco Lollobrigida nhấn mạnh quyết định trên của chính phủ nhằm mục đích bảo vệ truyền thống ẩm thực và thị trường việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp của nước này.
"Ý là quốc gia đầu tiên trên thế giới được an toàn trước những rủi ro kinh tế và xã hội của thực phẩm tổng hợp", ông Lollobrigida khẳng định.
Hồi đầu năm nay, Ý đã "bật đèn xanh" cho phép sản xuất và bán thực phẩm làm từ côn trùng bằng cách thiết lập các hướng dẫn về cách xác định các sản phẩm đó trên thị trường. Tuy nhiên, có thể phải mất vài năm nữa nguồn protein này mới được phổ biến rộng rãi ở nước này.
Đức, Tây Ban Nha tăng đầu tư cho thịt nhân tạo
Lệnh cấm của Ý được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia khác, trong đó có Đức và Tây Ban Nha, đang đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu để cải thiện quy trình sản xuất thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng nên sản xuất thịt nhân tạo vì tính bền vững, do hoạt động này có tác động tới môi trường thấp hơn so với sản xuất thịt có nguồn gốc động vật.
Ngoài ra, thịt nhân tạo cũng có thể tốt hơn đối với sức khỏe người tiêu dùng, do thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm không cần sử dụng hormone tăng trưởng và các loại thuốc kháng sinh, đồng thời có thể có giá thấp hơn so với thịt có nguồn gốc truyền thống.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online