Số lượng bài báo khoa học bị hủy đã tăng mạnh trong năm 2023. Các chuyên gia về liêm chính cho rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Hơn 10.000 bài báo khoa học đã bị rút lại vào năm 2023, một con số kỷ lục - Ảnh: NATURE
Theo tạp chí khoa học lâu đời Nature, số các bài báo khoa học bị hủy bỏ và rút lại vào năm 2023 đã vượt qua con số 10.000 - phá kỷ lục hằng năm - khi các nhà xuất bản đấu tranh để rút lại hàng loạt bài báo giả mạo và gian lận.
Một phân tích của Nature cho thấy trong số các quốc gia, Saudi Arabia, Pakistan, Nga và Trung Quốc có tỉ lệ bài báo khoa học bị rút lại cao nhất trong 2 thập kỷ qua.
Phần lớn các bài nghiên cứu bị hủy năm 2023 là từ các tạp chí thuộc sở hữu của Hindawi - một công ty con của Nhà xuất bản Wiley, có trụ sở tại London, Anh.
Trong năm 2023, tính đến thời điểm hiện tại, các tạp chí Hindawi đã đăng hơn 8.000 bài báo khoa học.
Hầu hết các bài báo bị rút lại của tạp chí Hindawi đều có vấn đề đặc biệt: các bài báo thường được các biên tập viên cộng tác giám sát và theo Nature, nó trở nên "khét tiếng vì bị những kẻ lừa đảo lợi dụng để nhanh chóng xuất bản các bài báo khoa học giả mạo hoặc chất lượng thấp" .
Vào ngày 6-12, Nhà xuất bản Wiley đã thông báo sẽ ngừng hoàn toàn việc sử dụng thương hiệu Hindawi. Trước đó, Wiley đã đóng cửa bốn tựa sách của Hindawi và đến cuối năm 2022 tạm dừng xuất bản số đặc biệt.
Do những vấn đề này, nhà xuất bản dự kiến mất 35-40 triệu USD doanh thu trong năm tài chính 2023, theo giám đốc điều hành tạm thời của Wiley, Matthew Kissner.
Guillaume Cabanac - một nhà khoa học máy tính tại Đại học Toulouse (Pháp), người theo dõi các vấn đề trong bài báo khoa học - cho biết các bài báo bị rút lại của Hindawi là bài khoa học giả mạo, nhưng chúng vẫn được trích dẫn chung hơn 35.000 lần.
Phân tích của tạp chí Nature cũng cho thấy tỉ lệ bài khoa học bị rút lại đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua.
Trong đó, khoảng 1/4 tổng số bài rút lại là các bài báo hội nghị. Phần lớn trong số đó bao gồm các bài rút lại của Viện Kỹ sư điện và điện tử (IEEE) ở thành phố New York. IEEE đã rút lại hơn 10.000 bài báo hội nghị trong 2 thập kỷ qua.
50.000 bài báo khoa học bị hủy
Các nhà điều tra liêm chính cho biết đến nay khoảng 50.000 bài báo khoa học bị hủy bỏ và rút lại được ghi nhận trên khắp thế giới, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Theo David Bimler - một nhà nghiên cứu về liêm chính có trụ sở tại New Zealand, con số thực tế ước tính lên tới hàng trăm nghìn bài. Những bài báo dạng này phần lớn do các doanh nghiệp bán cho các nhà khoa học.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online