Stress không trực tiếp gây ra gout, nhưng có thể khiến nồng độ axit uric cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc các triệu chứng sưng đau khớp bùng phát.
Gout là loại viêm khớp phổ biến, xảy ra khi các tinh thể axit uric tích tụ trong các khớp gây viêm và đau. Ăn nhiều thực phẩm giàu purin (như thịt động vật, nội tạng, hải sản...), không uống đủ nước, mắc bệnh thận và dùng một số loại thuốc làm tăng axit uric trong cơ thể.
Stress là yếu tố khác gián tiếp làm tăng nguy cơ phát triển bệnh gout. Mối quan hệ giữa gout và căng thẳng, lo âu, trầm cảm khá phức tạp. Nghiên cứu cho thấy khi căng thẳng, cơ thể có thể tăng nồng độ axit uric như một cách để kiểm soát. Khi nồng độ axit uric duy trì ở mức cao kéo dài, nguy cơ mắc bệnh gout cũng tăng lên.
Căng thẳng cũng có thể dẫn đến lối sống kém lành mạnh như ăn uống không cân bằng dinh dưỡng, uống ít nước và bỏ tập luyện thể thao, từ đó tăng thêm nồng độ axit uric. Theo thời gian tinh thể axit uric trong khớp hình thành, gây ra các triệu chứng gout.
Ngược lại, gout cũng có thể khiến người bệnh gia tăng căng thẳng. Tình trạng viêm mạn tính do gout có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn. Điều này là do một loại protein là cytokine gây viêm ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh lên não, góp phần dẫn đến trầm cảm.
Một nghiên cứu tổng hợp kéo dài 6 năm tại Mỹ trên gần 1,7 triệu người từ 65 tuổi trở lên cho thấy bệnh nhân gout có khả năng trầm cảm cao hơn 42% so với người không mắc bệnh.
Sưng đau khớp cổ chân là dấu hiệu đặc trưng của gout. Ảnh: Minh Minh
Người mắc bệnh gout nên kiểm soát căng thẳng để hạn chế các triệu chứng bệnh như hít thở sâu, thiền, tập luyện yoga hoặc thái cực quyền, đọc sách, nghe nhạc. Thực hiện lối sống lành mạnh bằng cách ăn uống cân bằng dinh dưỡng, giảm thực phẩm giàu purin, ngủ đủ giấc, hạn chế uống bia rượu và caffeine, không hút thuốc lá.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh gout mới tăng nồng độ axit uric trong máu, chưa hình thành các tinh thể gây viêm khớp nên thường không nhận biết triệu chứng. Đa số trường hợp phát hiện bệnh vào giai đoạn này thường không phải điều trị, có thể kiểm soát bằng các cách chăm sóc và thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt...
Ở những giai đoạn sau, bác sĩ thường khuyến cáo người bệnh thay đổi lối sống và dùng thuốc giúp giảm đau và viêm, làm hạ nồng độ axit uric trong các đợt bùng phát gout. Người bệnh cũng nên nghỉ ngơi, chườm đá giảm sưng viêm và sử dụng thiết bị hỗ trợ như gậy, nẹp khi di chuyển. Nếu không điều trị, các đợt bùng phát thường kéo dài trong một hoặc hai tuần.
Dù là bệnh xương khớp lành tính, song những biến chứng của gout như gãy xương, sỏi thận, đái tháo đường... có thể gây tàn phế, đe dọa tính mạng. Người bệnh cần chú ý đến các bất thường của cơ thể để kịp thời khám và điều trị.
Anh Ngọc (Theo Healthline)