Một nghiên cứu mới cho thấy các phân tử hữu cơ cho phép sự sống xuất hiện đã có mặt trên Sao Hỏa khoảng 4,5 tỷ năm trước.
Sao Hỏa từng bị bao phủ trong nước
Trái Đất và Sao Hỏa đều là các thành viên của Hệ Mặt trời, được tạo thành từ 4 hành tinh đá và vành đai tiểu hành tinh từ thủa sơ khai. Ngay sau khi hình thành, các hành tinh này đã phải hứng chịu một loạt các cuộc oanh tạc tàn khốc.
Điều thú vị là một trong những sự kiện ngẫu nhiên đó đã hình thành nên sự sống. Có điều, chúng dường như được hình thành lần đầu tiên từ Sao Hỏa, chứ không phải Trái Đất như chúng ta vẫn thường ngộ nhận.
Bằng cách sử dụng các phép đo đồng vị crom có độ chính xác cực cao từ 31 mẫu thiên thạch Sao Hỏa, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng chúng thực chất là các chondrite carbon từ bên ngoài Hệ Mặt trời.
Dựa trên sự phổ biến của những tảng đá như vậy trên Sao Hỏa và thực tế là băng chiếm khoảng 10% khối lượng của Hành tinh Đỏ, các tác giả đã tính toán được rằng những tác động cổ xưa từng khiến Sao Hỏa bị bao phủ trong nước, với độ sâu trung bình là 307 mét, và có nơi lên tới hơn 1000 mét.
Đáng chú ý, các chondrite carbon cũng được biết đến như những "con tàu", đóng vai trò vận chuyển các phân tử hữu cơ như axit amin đến các hành tinh bên trong Hệ Mặt trời. Những hợp chất này được cho là rất cần thiết cho sự hình thành DNA, và có khả năng từng cung cấp nguyên liệu cho phép hình thành nên sự sống.
Sự sống có thể bắt nguồn từ Sao Hỏa?
"Sao Hỏa từng bị bắn phá bởi các tiểu hành tinh chứa đầy băng. Điều đó xảy ra trong khoảng 100 triệu năm đầu tiên của quá trình hình thành nên hành tinh", tác giả nghiên cứu, GS. Martin Bizzarro giải thích.
"Một điều thú vị khác là các tiểu hành tinh này cũng mang theo các phân tử hữu cơ quan trọng về mặt sinh học đối với sự sống".
Tuy nhiên, trong khi các điều kiện trên Sao Hỏa có thể từng là lý tưởng cho sự sống vào thời điểm ban đầu này, thì điều tương tự đã không xảy ra đối với Trái Đất.
"Sau giai đoạn này, một điều gì đó thảm khốc đã xảy ra đối với sự sống tiềm ẩn trên Trái Đất", Bizzarro khẳng định. "Có thể đã có một vụ va chạm khủng khiếp giữa Trái Đất và một hành tinh nào đó, giúp hình thành nên Mặt Trăng, nhưng đồng thời xóa sổ mọi sự sống tiềm tàng trên Trái Đất".
Kết hợp lại với nhau, những phát hiện này cho thấy rằng sự sống có lẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn trên Sao Hỏa so với trên Trái Đất trong những năm đầu hình thành nên Hệ Mặt trời.
Tuy nhiên cho đến nay, điều ngược lại đã xảy ra khi Trái Đất mới là nơi sự sống phát triển, còn Sao Hỏa vẫn còn là một ẩn số đối với các nhà khoa học.
Nghiên cứu hiện được công bố trên tạp chí Science Advances đã thu hút sự chú ý của những người yêu khoa học, cũng như những ai ủng hộ thuyết âm mưu về sự sống ngoài hành tinh.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí