Tại sao nên thở bằng mũi thay vì bằng miệng?

Thở bằng mũi có thể lọc sạch bụi, các chất gây dị ứng trong không khí, làm ẩm không khí hít vào, và giúp nhịp thở tự nhiên hơn. 

1 Tai Sao Nen Tho Bang Mui Thay Vi Bang Mieng

Mặc dù có thể thở bằng cả mũi và miệng, tuy nhiên mũi của chúng ta được ‘đặc biệt’ thiết kế để tối ưu hóa việc thở. Nhìn chung, thở bằng mũi sẽ tốt cho sức khỏe hơn so với thở bằng miệng. 

Không khí hít vào qua mũi đồng thời được làm ấm và làm ẩm nhờ các mô. Lông mũi và cuốn mũi giúp lọc sạch bụi, vi khuẩn, virus, chất gây dị ứng trước khi không khí đi vào phổi, ngoài ra các enzym trong mũi có thể phá hủy các chất gây hại.

Ngoài ra mũi có thể điều chỉnh lượng không khí hít vào. Thở bằng mũi làm tăng lượng oxy hấp thụ vào máu so với thở bằng miệng. Trong quá trình thở, mũi sẽ giải phóng ra khí nitric oxide (NO), có thể làm giãn rộng các mạch máu, nhờ đó tăng cường lưu thông máu, các chất dinh dưỡng và oxy. Đồng thời khí NO cũng làm giảm sự phát triển các cục máu đông và xơ vữa mạch máu. 

Một số lợi ích khi hít thở bằng mũi có thể kể đến như: 

  • Cho phép cơ thể hấp thụ lượng oxy thích hợp và khiến oxy lưu thông trong máu tốt hơn;
  • Giúp bảo vệ đường hô hấp không bị nhiễm lạnh; cải thiện dung tích phổi; giảm nguy cơ dị ứng, cúm và ho; giảm nguy cơ ngưng thở khi ngủ; 
  • Giúp răng, cơ mặt và xương hàm phát triển chính xác.

Thở bằng miệng có thể gây khô miệng, hôi miệng. Ngoài ra, do miệng không có cấu tạo đặc thù như mũi, không khí vào phổi có thể chưa được lọc và làm ấm, dẫn đến viêm mũi, hen suyễn, đau vọng, dị ứng. 

Ngoài ra hít thở bằng miệng có thể dẫn đến sâu răng, viêm lợi, ngáy, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng mãn tính và lo lắng. Nhiều nghiên cứu cho thấy thở bằng miệng có thể làm khô nướu, mô lót trong miệng dẫn đến bệnh nha chu hoặc sâu răng.

Trong một số trường hợp, chúng ta nên kết hợp với thở qua đường miệng. Những người tập thể dục thể thao, lao động mạnh, hay bị nghẹt mũi thường thở bằng miệng để thở nhanh hơn, hít vào nhiều không khí hơn để có được đủ lượng oxy cần thiết. 

Tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy thở bằng mũi có thể cải thiện thành tích thể thao. Năm 1990, một nghiên cứu tiến hành so sánh hiệu quả của các bài tập thở mũi và thở miệng. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về nhịp tim giữa hai cách thở. Nhưng thở bằng mũi sẽ khiến nhịp thở trở nên thấp hơn so với thở miệng, điều này sẽ khiến cho oxy có nhiều thời gian hơn để đi vào máu. 

Ngoài ra thở mũi cũng kích hoạt phần của hệ thống thần kinh hỗ trợ nghỉ ngơi, phục hồi và tiêu hóa, khiến vận động viên trở nên bình tĩnh và thư thái hơn. Khi cơ thể đang ở trong trạng thái thoải mái, chắc chắn sẽ thở bằng mũi, vậy nên thở mũi sẽ tự nhiên hơn.

Quang Minh

(Tổng hợp)

Bài liên quan