Tại sao nơi sinh quan trọng trong hộ chiếu?

Ở một số quốc gia, nơi sinh là thông tin quan trọng để xác định từ chối hay chấp nhận cho các cá nhân nhập cảnh.

Trên một số diễn đàn như Quora, Reddit, các thành viên chia sẻ thông tin việc nhiều nước sẵn sàng từ chối chấp nhận nhập cảnh đối với công dân nước khác nếu thông tin nơi sinh không được thể hiện trong hộ chiếu. 

Mới đây, Đức cũng ra thông báo không chấp nhận một mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam do thiếu thông tin nơi sinh, các mẫu hộ chiếu cũ hoặc hình thức xác nhận thị thực khác vẫn được chấp nhận bình thường. Đức không phải quốc gia duy nhất từ chối nhập cảnh đối với công dân không có thông tin nơi sinh trên hộ chiếu. 

Theo Best Citizenship, nơi sinh (place of birth - POB) là một trong những thông tin quan trọng nhất có trong hộ chiếu của công dân ở hầu hết các nước hiện tại. Nếu không có thông tin này, một số quốc gia từ chối chấp nhận hộ chiếu hoặc từ chối cho nhập cảnh tại biên giới. Nhiều quốc gia thậm chí không cấp hộ chiếu cho công dân của họ đi du lịch quốc tế nếu POB bị bỏ trống.

Lý do là thiếu POB bị xem là mối đe dọa an ninh. POB, cùng với Tên, Họ, Ngày sinh (date of birth - DOB), thông tin sinh trắc học (dấu vân tay, nhóm máu, đặc điểm khuôn mặt) được kiểm tra trên cơ sở dữ liệu quốc tế và có thể được so sánh với thông tin của những kẻ tình nghi và khủng bố đã được biết đến.

1 Tai Sao Noi Sinh Quan Trong Trong Ho Chieu

Mẫu hộ chiếu của một công dân Nhật Bản không có phần ghi nơi sinh và chỉ có nơi đăng ký thường trú (Registered Domicile) lưu giữ thông tin cá nhân.

Điều quan trọng hơn là Nơi sinh (POB) thường không bao giờ thay đổi, bất kể bạn có bao nhiêu hộ chiếu, được bao nhiêu quốc gia khác nhau cấp. Nói cách khác giá trị DOB và POB giúp xác định duy nhất một cá nhân.

Thiếu hoặc không có POB được coi là mối đe dọa an ninh ở biên giới, vì khi đó các cá nhân dễ dàng che giấu danh tính của họ. Ví dụ, một người có thể sinh ra ở nước này, nhưng đã nhập quốc tịch nước khác. 

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đặt ra tiêu chuẩn chung cho hộ chiếu và theo ICAO, việc ghi thông tin nơi sinh là không bắt buộc. Tuy nhiên, ICAO cho rằng khi lựa chọn ghi hoặc không ghi nơi sinh, quốc gia hoặc tổ chức cấp giấy thông hành phải xem xét mọi hoạt động nhạy cảm chính trị hiện tại liên quan đến các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác và liệu đó có phải là quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được cơ quan cấp thị thực ở các quốc gia khác công nhận hay không.

Mối quan tâm về quyền riêng tư

Một nghiên cứu được đệ trình lên Quốc hội Mỹ về việc xóa thông tin nơi sinh chỉ ra mối lo ngại rằng một số công dân Mỹ sinh ra ở nước ngoài có thể dễ bị quấy rối chính trị hoặc bạo lực thể chất vì thông tin nơi sinh được ghi trên hộ chiếu. Mối lo ngại này tăng lên trong những năm gần đây với sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Năm 1986, hai quốc gia Canada và Áo đã có hành động về thông tin nơi sinh trong hộ chiếu. Trong đó Canada bắt đầu cho công dân xóa nơi sinh, nhưng tương đối ít người lựa chọn điều này. Chính phủ Canada cũng cảnh báo việc thiếu thông tin này sẽ gây ra quá nhiều vấn đề, như chậm trễ trong quá trình xin thị thực hoặc thậm chí thị thực bị từ chối, bị chậm trễ tại các cửa khẩu biên giới, bị từ chối nhập cảnh.

Mỹ không cấp hộ chiếu không có POB

Trong trường hợp sinh ở vùng biển quốc tế hoặc đường hàng không thì thông tin nơi sinh trong hộ chiếu được ghi phụ thuộc vào luật của các quốc gia liên quan, bao gồm quốc tịch của máy bay hoặc tàu biển, quốc tịch của cha mẹ và/hoặc vị trí của máy bay hoặc tàu (nếu nơi sinh xảy ra trong lãnh hải hoặc vùng trời của một quốc gia).

Hộ chiếu Hàn Quốc và Nhật Bản cũng không có thông tin nơi sinh. Trên diễn đàn bàn luận về hai loại hộ chiếu này, một số ý kiến cho rằng việc ghi nơi sinh trong hộ chiếu là không cần thiết. "Là người Hàn Quốc, tôi không hiểu tại sao phải có POB trong hộ chiếu. Tại sao các quốc gia khác, đặc biệt như ở Đức lại quá quan trọng điều này đến như vậy? (Còn tất nhiên điều này quan trọng ở Mỹ và Canada vì họ cấp quyền công dân dựa trên POB)", một tài khoản bình luận.

Còn đối với hộ chiếu Nhật Bản, cũng có rắc rối liên quan đến POB được cho là do hệ thống đăng ký hộ tịch được lưu trữ ở các cấp quản lý thành phố. "Ở Nhật Bản đăng ký thông tin hộ gia đình được gọi là koseki, đăng ký thành phố/tỉnh gia đình sinh sống được gọi là honseki. Thông tin honseki được ghi trên hộ chiếu theo tiếng Anh là "Registered Domicile, hoàn toàn không liên quan đến địa chỉ cư trú thực sự được đăng ký riêng", một tài khoản khác cho biết. 

PHƯƠNG ANH (Tổng hợp )

Nguồn: vtc.vn

Bài liên quan