Thở dài, xịt nước hoa như tắm cũng bị xem là quấy rối?

Tại Nhật Bản, dù vô tình hay cố ý, thở dài và mùi cơ thể cũng bị xem là hành vi quấy rối nơi làm việc khi gây căng thẳng hoặc khiến người khác mất tập trung.

1 Tho Dai Xit Nuoc Hoa Nhu Tam Cung Bi Xem La Quay Roi

Mùi cơ thể đang được xem như một dạng quấy rối nơi công sở ở Nhật Bản - Ảnh minh họa của Getty

Xưa nay, Nhật Bản nổi tiếng vì cường độ làm việc khắc nghiệt khi phần đông mọi người ở công ty nhiều hơn ở nhà. Nhiều người làm công ăn lương ở đây cũng vì thế mà sẵn sàng tố cáo các hành vi quấy rối nơi làm việc nhiều hơn các nước khác, theo báo South China Morning Post (SCMP) ngày 31-5.

Nhân viên ngày càng nhận thức được đâu là quấy rối công sở

Theo báo Nikkei Asia, khiếu nại về quấy rối nơi làm việc đã lên tới 88.000 vụ vào năm 2021, tăng gấp ba lần trong 15 năm.

"Khi nhận thức về hành vi quấy rối ngày càng tăng và nhiều công ty đưa ra các biện pháp đối phó, công chúng đã nhận thức rõ hơn về vấn đề này và bắt đầu đặt câu hỏi: Đó chẳng phải cũng là hành vi quấy rối sao?", ông Kaname Murasaki, người đứng đầu một hiệp hội của Nhật Bản chuyên tư vấn giải quyết vấn đề quấy rối, nói với SCMP.

Bà Chisato Kitanaka, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Hiroshima và là cố vấn cho văn phòng hỗ trợ giải quyết nạn quấy rối của trường, cũng đồng tình với ý kiến trên.

"Đã có sự gia tăng rõ rệt về số lượng khiếu nại mà chúng tôi nhận được, điều mà tôi tin rằng vì mọi người nhận thức rõ hơn trước đây rằng họ có quyền khiếu nại", bà nói.

Đại đa số các vụ quấy rối tại nơi làm việc ở Nhật Bản có thể được xếp vào "quấy rối quyền lực". Khoảng 95% số người tìm kiếm sự hỗ trợ từ hiệp hội của ông Kaname Murasaki đã gặp dạng này.

Khi quấy rối công sở ngày càng trở thành vấn đề nóng tại Nhật Bản, nhiều hành vi được cho là quấy rối cũng được bổ sung vào danh sách. "Các kiểu quấy rối mới và hơi khác một chút (so với người ta hay nghĩ) đang được nhiều người công nhận", ông Kaname Murasaki nói thêm.

Một trong những hành vi có thể bị coi là xúc phạm, quấy rối đồng nghiệp chính là tiếng thở dài. Nó có thể được hiểu theo hướng một người đang không hài lòng hoặc ghê tởm nên được xếp vào dạng "quấy rối tâm trạng".

Một người có thói quen vệ sinh kém hoặc sử dụng quá nhiều nước hoa có thể là thủ phạm của "quấy rối mùi".

Mùi cơ thể cũng bị xếp vào dạng quấy rối

Những người đàn ông trung niên và lớn tuổi Nhật Bản thường bị chỉ trích nặng nề vì thiếu vệ sinh cá nhân khi đến văn phòng.

Tuy nhiên gần đây, nhiều vụ khiếu nại xuất phát từ sự khác biệt văn hóa, chẳng hạn nhân viên nước ngoài sử dụng nước hoa hoặc chất khử mùi nồng nặc hơn các đồng nghiệp Nhật Bản.

"Quấy rối mùi là bất cứ một hành vi nào đó làm người khác cảm thấy khó chịu vì mùi, và điều đó có thể bao gồm mùi cơ thể, nước hoa, thuốc lá, lớp trang điểm hoặc bụi bẩn tích tụ trên quần áo của một người", ông Kaname Murasaki giải thích.

Nói tóm lại, theo ông, đó là bất kỳ mùi nào có thể gây "cản trở khả năng làm việc của người khác".

Hiệp hội của ông đã tổ chức nhiều buổi đào tạo với các công ty để nâng cao nhận thức về vấn đề này, đồng thời khuyến khích nhân viên lưu tâm đến những người xung quanh.

Mandom Corp, công ty sản xuất các sản phẩm chăm sóc cá nhân cho nam giới, đã thành lập một đội ngũ chuyên đến các công ty để tư vấn về sự quan trọng của mùi hương và cách đối phó với mùi cơ thể cũng như da nhờn. Đây là hai mối lo ngại lớn của nhân viên văn phòng khi Nhật Bản bước vào những tháng mùa hè nóng và ẩm ướt.

Ông Kaname Murasaki cũng cho biết hiệp hội của ông đang xử lý nhiều yêu cầu liên quan quấy rối tâm trạng nơi công sở. "Đây là hành động gây căng thẳng tinh thần cho người khác thông qua biểu cảm trên khuôn mặt, thở dài hoặc thái độ", ông nói.

"Thở dài là một cách tốt để giảm căng thẳng, vì vậy lời khuyên của tôi là tìm một nơi không có người và thở dài ở đó. Tất cả chúng ta đều cần chú ý không thở dài hoặc tỏ ra khó chịu để người xung quanh không hiểu lầm", ông Kaname Murasaki nêu giải pháp.

Khảo sát do công ty chuyên về nhân sự có tên Workport (trụ sở tại Tokyo) thực hiện vào tháng 3 rồi chỉ ra thực tế gần 2/3 nhân viên trẻ và cấp trung là mục tiêu "quấy rối quyền lực" của cấp trên, nhưng một nửa số đó đã phản ứng bằng cách không làm gì cả.

Khoảng 65% trong số 661 người được khảo sát cho biết họ từng là nạn nhân của sự lăng mạ và xúc phạm bằng lời nói, thành tích của họ bị phớt lờ, hoặc họ đã được giao công việc quá sức và quá khắc nghiệt.

Gần 10% tự nhận là nạn nhân bị quấy rối tình dục hoặc thể xác, và gần 5% cho biết họ đã bị hành hung hoặc bị thương tại nơi làm việc.

HÀ THU

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan