Tiết lộ sốc vụ Liên Xô báo động 100 máy bay mang bom hạt nhân tấn công NATO

Nguyên nhân khiến Liên Xô chút nữa phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân năm 1983 xuất phát từ việc NATO tiến hành cuộc tập trận thường niên mang tên 'Able Archer'.

132 1 Tiet Lo Soc Vu Lien Xo Bao Dong 100 May Bay Mang Bom Hat Nhan Tan Cong Nato

Một chiếc MiG-27D rời căn cứ Không quân Grossenhain ở Đông Đức làn cuối cùng trong khuôn khổ cuộc rút quân của các lực lượng Nga năm 1993. Ảnh: Drive

Gần 100 máy bay mang bom hạt nhân đã nhận lệnh sẵn sàng xuất kích

Năm 1983, một loạt máy bay chiến đấu của Liên Xô bố trí ở mặt trận Đông Đức đã được chất đầy bom hạt nhân và sẵn sàng lâm trận tức thời khi Moskva chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh toàn diện với NATO. Đây là một trong những tình tiết mới nhất vừa được công bố về “cuộc chiến đáng sợ” năm 1983 – thời điểm hai bên bên bờ vực của một cuộc xung đột lớn, mà khởi nguồn là từ một hiểu lầm rất nghiêm trọng.

Nguyên nhân chính đẩy Liên Xô sẵn sàng lâm chiến vào tháng 11/1983 xuất phát từ việc NATO chuẩn bị mở cuộc diễn tập thường niên có tên tập trận chỉ huy và liên lạc Able Archer, nhằm kiểm tra khả năng của các lực lượng liên minh trên khắp châu Âu và vùng phụ cận trong tiến hành chiến tranh hạt nhân sát nhất với tình hình thực tế.

Cùng với những căng thẳng diễn ra trên toàn cầu vào thời điểm đó, các cuộc diễn tập trong khuôn khổ cuộc tập trận Able Archer 83 khiến Liên Xô hiểu nhầm rằng NATO thực sự đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công tổng lực.

Dư luận cơ bản đã nắm được diễn biến chính liên quan quan tới sự kiện nóng bỏng thời Chiến tranh Lạnh này khi chính quyền Mỹ tiến hành giải mật thông tin về vụ việc hồi năm 2015. Nhưng những thông tin chi tiết về mức độ nghiêm trọng của tình hình và cách thức Liên Xô chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân thì mới chỉ được công bố gần đây.

Tiết lộ mới nhất đến từ một loạt báo cáo tình báo về sự kiện này do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố và chúng cho thấy một bức tranh đặc biệt đáng lo ngại khi các lực lượng Liên Xô chuẩn bị cho trận chiến Armageddon (trận chiến cuối cùng) mà giới lãnh đạo ở Moskva có vẻ như thực sự tin rằng sắp xảy ra.

Trong quá khứ, các cuộc tập trận Able Archer với các giả định diễn tập luôn khiến lãnh đạo Liên Xô e ngại, vì chúng được dựa trên tình huống phát động một cuộc tấn công hạt nhân vào khối Hiệp ước Warsaw. Do đó, nếu các bên hiểu nhầm ý định của nhau, tình hình nhanh chóng trở nên cực kỳ nguy hiểm.

Theo kịch bản sơ khởi, cuộc tập trận Able Archer 83 bắt đầu với tình huống kẻ thù mở cuộc tấn công nhằm vào châu Âu vào ngày 4/11, đặt NATO vào tình trạng báo động toàn diện. Đến ngày 6/11, đối phương bắt đầu sử dụng vũ khí hóa học.

Thực tế, cuộc tập trận của NATO bắt đầu vào ngày 7/11 và kéo dài trong 5 ngày. Nó được thực hiện dựa trên tưởng định mới, đó là NATO đã chuyển trạng thái từ chiến tranh thông thường và chiến tranh hóa học sang chiến tranh hạt nhân.

132 2 Tiet Lo Soc Vu Lien Xo Bao Dong 100 May Bay Mang Bom Hat Nhan Tan Cong Nato

Máy bay MiG-27 của Liên Xô đóng tại căn cứ Không quân Lärz thuộc Đông Đức cũ. Ảnh: The Drive

Mục đích chính là tăng cường huấn luyện cho lực lượng của NATO kĩ năng chỉ huy tác chiến, thông tin liên lạc trong điều kiện leo thang chiến sự. Tình huống giả định sát thực tới mức cả Thủ tướng Anh khi đó là bà Margaret Thatcher và Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl trực tiếp theo dõi.

Một cuộc điều tra sau đó do Ban Cố vấn Tình báo Đối ngoại của Tổng thống Mỹ thực hiện kết luận, cuộc tập trận Able Archer 83 có lẽ đã đặt quan hệ Mỹ-Liên Xô vào tình thế “dựng tóc gáy”. Còn ngày nay, từ những thông tin mới được công bố, công chúng cũng có thể hiểu thấu đáo cơ chế đẩy hai siêu cường tiến đến nguy cơ một cuộc đụng độ hạt nhân ở thời điểm đó.

Theo thông tin, tài liệu tình báo mới được giải mật, các sở chỉ huy quân sự của Liên Xô trên khắp Đông Đức đã được lệnh tăng cường trực chiến 24/24. Tập đoàn quân không quân số 16 của Liên Xô, với hàng chục căn cứ không quân nằm rải rác trên lãnh thổ Đông Đức, cũng được đặt trong tình trạng báo động cao độ từ tối ngày 2/11/1983.

Đóng vai trò mũi nhọn của Tập đoàn quân không quân Số 16, các sư đoàn không quân tiêm kích ném bom, với biên chế chủ yếu là tiêm kích MiG-27 và Su-17 cùng một số lượng nhỏ cường kích Su-24, là lực lượng trực chiến, sẵn sàng chiến đấu chủ công. Cũng không có gì ngạc nhiên khi NATO thường xuyên theo dõi sát các đơn vị này, vì đó là lực lượng sẽ được giao nhiệm vụ tấn công hạt nhân nhằm vào các sân bay, căn cứ tên lửa và các mục tiêu quan trọng khác của liên minh.

Không chỉ mỗi Tập đoàn quân không quân Số 16 chuẩn bị cho chiến tranh. Dịch lên phía Đông một chút, Tập đoàn quân không quân Số 4 của Liên Xô đóng tại Ba Lan cũng được đặt trong tình trạng báo động cao, theo mệnh lệnh của Nguyên soái Pavel Kutakhov, Tư lệnh Không quân Liên Xô lúc bấy giờ.

Từng trung đoàn trong đội hình sư đoàn không quân tiêm kích ném bom sẽ chọn riêng một phi đội và tất cả máy bay của phi đội này đều được lệnh trang bị bom hạt nhân. Thông thường, mỗi trung đoàn có ba phi đội, trong đó một phi đội là lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tấn công hạt nhân, thường xuyên thực hành bốc dỡ vũ khí và diễn tập các kiểu bay tấn công phù hợp.

Những tài liệu hiện mới giải mật cho thấy, các máy bay ném bom trang bị vũ khí hạt nhân đã được đặt trong tình trạng báo động kéo dài 30 phút và kíp phi công chỉ nhận được mệnh lệnh rất ngắn gọn: “Tiêu diệt các mục tiêu tuyến đầu của kẻ thù”.

Nếu thông tin tình báo là chính xác, một phi đội từ mỗi trung đoàn không quân tiêm kích ném bom của Liên Xô ở Đông Đức được trang bị ít nhất một quả bom hạt nhân. Như vậy, sẽ có khoảng 96 máy bay luôn sẵn sàng cho một cuộc tấn công hạt nhân nếu mỗi phi đội trên danh nghĩa được biên chế 12 chiếc.

Có một thực tế ít được biết đến là, trong mỗi đơn vị không quân chiến thuật của Liên Xô thời đó, vốn được biết tới là đơn vị không quân tiền phương (Frontal Aviation), hầu như tất cả các máy bay chiến đấu đều có một biến thể được thiết kế riêng để chuyên chở bom hạt nhân bắn ném tự do.

Tuy nhiên, tới tận ngày nay, không có nhiều thông tin chi tiết về các loại vũ khí này. Từ năm 1983 trở về trước, các loại bom hạt nhân chiến thuật tiêu chuẩn gồm có RN-40 và RN-41, được đặt trên máy bay MiG-23, MiG-27, MiG-29, Su-17 và Su-24. Theo nhiều nguồn tin phương Tây, bom RN-40 có sức công phá xấp xỉ 30 kiloton - gấp đôi so với quả bom “Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

Sau gần 4 thập kỷ, vẫn có thể cảm nhận được mối nguy hiểm về “cuộc chiến đáng sợ 1983”. Như đã nói ở trên, năm 1983 là điểm cao trào trong Chiến tranh Lạnh. Trước tập trận Able Archer 1983, đã xuất hiện tích tụ căng thẳng giữa hai bên do nhiều nhân tố, trong đó có leo thang chạy đua vũ trang, những tuyên bố cứng rắn từ lãnh đạo hai phe, cuộc khủng hoảng lãnh đạo ở Liên Xô.

Yếu tố giúp tháo ngòi cuộc chiến

Nắm rất rõ hoạt động diễn tập trong khuôn khổ tập trận thường niên Able Archer, nhưng Liên Xô vẫn tin rằng Chiến tranh Thế giới thứ 3 sẽ bắt đầu với một cuộc tấn công bất ngờ dưới vỏ bọc một cuộc tập trận kiểu như Able Archer. Ghép nối tất cả thông tin, dữ liệu với nhau ở thời điểm năm 1983, có thể thấy rằng việc Liên Xô chuẩn bị đáp trả NATO bằng một cuộc tấn công hạt nhân là điều khó tránh khỏi và đó quả là điều ghê rợn.

132 3 Tiet Lo Soc Vu Lien Xo Bao Dong 100 May Bay Mang Bom Hat Nhan Tan Cong Nato

Tướng Leonard H. Perroots, người sau đó trở thành Giám đốc Cơ quan Tình báo quân sự Mỹ (DIA). Ảnh: Drive

Nhưng rất may, những người ra quyết định quan trọng vào thời điểm đó ở phía NATO lại không được biết rõ về cách Liên Xô đã chuẩn bị ra sao để đáp trả cuộc tập trận Able Archer 1983. Tài liệu mới được công bố bao gồm cả tường trình của Trung tướng Không quân Leonard H. Perroots, người lúc đó là trợ lý Tham mưu trưởng phụ trách Tình báo của Không quân Mỹ ở châu Âu (USAFE) và nó cho thấy nút thắt đã được gỡ khá may mắn.

Ông Perroots cho biết tại thời điểm đó có liên lạc với cấp trên, trong đó có Tướng Billy Minter - Tư lệnh USAFE. Ông Minter muốn cấp dưới đưa ra ý kiến đánh giá về những gì đang diễn ra ở Đông Đức. Ông Perroots đáp rằng: “Chưa đủ bằng chứng để chúng ta phải tăng cường báo động thực sự”.

Nhưng ông Perroots sau đó thừa nhận rằng, khi thông tin chi tiết về tình trạng báo động của các lực lượng Liên Xô bên kia biên giới được công bố, ông đã vô cùng lo ngại. “Nếu khi đó tôi biết rõ những gì như sau này được công bố, tôi không chắc mình sẽ đưa ra ý kiến đánh giá như thế nào”.

Ông Perroots khẳng định rằng ông đã đúng đắn khi không đề xuất NATO leo thang hành động trong cuộc gọi với cấp trên. Mặc dù vậy, Tướng Perroots cũng nhận thức được rằng ông thiếu một bức tranh hoàn chỉnh về các công việc chuẩn bị mà Liên Xô đang thực hiện. Chỉ sau cuộc tập trận, Perroots mới bắt đầu nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình, trong đó có những hoạt động dịch chuyển, báo động lực lượng ở khắp các căn cứ không quân của Liên Xô tại Đông Đức.

Hoài Thanh (Theo The Drive)

Nguồn: baotintuc.vn

Bài liên quan