Các nhà khoa học Nga và Mỹ đang cùng nghiên cứu vaccine COVID-19 thì tình cờ phát hiện hoạt chất có thể chống lại bệnh ung thư nguy hiểm.
Kết quả nghiên cứu công bố trên Tạp chí Organic & Biomolecular Chemistry ngày 21/9 cho thấy, trong quá trình điều chế thuốc COVID-19, các nhà khoa học Nga phát hiện hoạt chất có thể chống lại bệnh u nguyên bào thần kinh, một trong những loại ung thư nguy hiểm.
Tình cờ tìm ra thuốc điều trị ung thư khi đang nghiên cứu vaccine COVID-19
Nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia thuộc Khoa Hóa dược, Đại học Liên bang Bắc Caucasus (NCFU) của Nga dưới sự lãnh đạo của các Giáo sư NCFU về hóa hữu cơ và phân tích Nikolai Aksenov và Alexander Aksenov cùng các đồng nghiệp người Mỹ tại Đại học Bang Texas.
Phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu này được gọi là phản ứng Aksenov và được hai nhà khoa học Nga phát hiện vào năm 2010.
"Các nhà nghiên cứu đã mô tả quá trình tổng hợp một chất sẽ giúp loài người chống lại bệnh u nguyên bào thần kinh, một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất. Ban đầu, các nhà hóa học đang cố gắng thu được các hợp chất để chống lại COVID-19, tuy nhiên, hoạt tính chống ung thư của các chất này hóa ra cao hơn nhiều" - cơ quan truyền thông của trường Đại học này cho hay.
Nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ hai khoản tài trợ của Quỹ Nghiên cứu Cơ bản Nga và Viện Y tế Quốc gia Mỹ.
Giáo sư Alexander Aksenov cho biết: "Phản ứng dựa trên việc đưa một nhóm axitamin vào tế bào và phản ứng của chúng rất hứa hẹn. Sự phát triển này có một ý nghĩa lớn. Hợp chất tiềm năng trở thành nguyên liệu thô trong điều chế thuốc, cho phép giảm chi phí điều trị của bệnh nhân.
Giáo sư Alexander Aksenov tại Trường Đại học NCFU
Hợp chất này chưa được chứng minh có khả năng điều trị ung thư, song cho thấy hiệu quả trong việc tiêu diệt và làm giảm thiểu các tế bào mầm bệnh.
U nguyên bào thần kinh là dạng ung thư phổ biến nhất trong những năm đầu tiên của cuộc đời. Độ tuổi trung bình mắc bệnh là 19 tháng, với 89% bệnh nhân dưới 5 tuổi và 98% dưới 10 tuổi. Bệnh phổ biến hơn ở bé trai.
Khối u thường phát triển xung quanh tuyến thượng thận, một số tự biến mất theo thời gian. Trong khi đó những dạng khác cần điều trị nhiều lần. Thông thường, người mắc u nguyên bào thần kinh được chỉ định hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật.
Việc tìm kiếm thuốc chữa COVID-19 vô tình lại tìm được các hoạt chất điều trị ung thư của các nhà khoa học Nga và Mỹ là trường hợp bất ngờ nhưng không phải là duy nhất.
Mới đây, các nhà khoa học Singapore cũng điều chỉnh một loại thuốc ung thư thành vaccine ngừa COVID-19.
Vaccine COVID-19 Singapore được phát triển từ thuốc điều trị ung thư
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Monash ở Úc đã phát triển vaccine ngừa COVID-19 từ một loại thuốc điều trị ung thư.
Vaccine nhắm vào một phần cụ thể của hệ thống miễn dịch được gọi là tế bào đuôi gai.
Các tế bào này "lấy mẫu" các bộ phận của môi trường xung quanh chúng và đánh dấu các mối nguy hiểm đối với phần còn lại của hệ thống miễn dịch.
Phó Giáo sư Mireille Lahoud, Viện Khám phá Y sinh Đại học Monash, Úc.
Phó Giáo sư Mireille Lahoud từ Viện Khám phá Y sinh Đại học Monash cho biết, kháng thể trong Clec9A-RBD trước đây đã được sử dụng để tạo ra vaccine chống nhiều loại bệnh, chẳng hạn như ung thư, cúm và bệnh tay chân miệng.
Vì vậy, khi đại dịch xảy ra vào tháng Hai, bà và hai nhà nghiên cứu khác đã quyết định sử dụng nó để tạo ra một loại vaccine có thể chống lại COVID-19.
Phó Giáo sư Lahoud nói, vai trò của vaccine giống như vai trò của một nhạc trưởng trong dàn nhạc. Các nhà nghiên cứu đã phát triển một loại protein liên kết với một thụ thể trên các tế bào này, "dạy" hệ thống miễn dịch rằng virus Sars-CoV-2 là mầm bệnh để hệ thống miễn dịch đánh bại chúng.
Được gọi là vaccine protein dung hợp, nó được tạo ra bằng cách kết hợp một kháng thể nhắm mục tiêu vào các bộ phận của hệ thống miễn dịch với một kháng nguyên, tạo ra phản ứng miễn dịch để bảo vệ cơ thể chống lại mầm bệnh đã chọn.
Do đó, các nhà khoa học có thể dựa vào cùng một loại kháng thể để chống lại các bệnh khác nhau bằng cách chỉ cần chuyển đổi kháng nguyên được gắn vào nó.
Các nhà nghiên cứu cho biết ba điều chính khiến loại vaccine này trở nên khác biệt so với những loại vaccine khác trong cuộc đua toàn cầu.
Thứ nhất, vaccine đã kích thích hệ thống miễn dịch yếu của người già một cách rất tốt. Điều này là do các tế bào đuôi gai mà nó nhắm đến có mặt với số lượng đáng kể ở người trong suốt cuộc đời của họ. Nó cũng có nghĩa là một loại vaccine nhắm vào các tế bào như vậy sẽ có hiệu quả tương tự đối với người già cũng như đối với trẻ nhỏ hay người trưởng thành.
Thử nghiệm trên động vật của nhóm cho thấy mức độ kháng thể cao được quan sát thấy ở cả chuột già và chuột non được tiêm vaccine nói trên.
Thứ hai, Phó Giáo sư Sylvie Alonso từ khoa vi sinh và miễn dịch học tại Trường Y khoa Đại học Quốc gia Singapore cho biết, vaccine chỉ cần tiêm một liều duy nhất với một lượng nhỏ kháng nguyên mỗi lần do hệ thống phân phối mục tiêu của nó.
"Thông thường, khi bạn tiêm vaccine, bạn đang đợi hệ thống miễn dịch nhận nó. Trong trường hợp này... nó giống như gửi email trực tiếp đến các tế bào" - Phó Giáo sư Lahoud giải thích thêm.
"Đây là những thuộc tính cần thiết trong một tình huống đại dịch, nơi bạn cần phải sản xuất hàng triệu liều... một liều duy nhất cũng có nghĩa là người đó không phải quay lại lần thứ hai để lấy một liều khác." - bà nói.
Thứ ba, do bản chất là vaccine protein dung hợp, Clec9A-RBD có thể được điều chỉnh để chống lại không chỉ Sars-CoV-2, mà còn cả các đột biến coronavirus và các bệnh mới khác trong tương lai.
Vaccine Clec9A-RBD là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ ba mà Singapore tham gia phát triển. Vaccine này đã trải qua các nghiên cứu trên động vật và sẽ sẵn sàng cho các thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm sau.
Cúc Phương
Nguồn: baodatviet.vn