Cơn đau đầu cụm xuất hiện ở một bên vùng mặt, thường tập trung ở thái dương xung quanh vùng mắt... gây lo lắng, ảnh hưởng nhịp sinh hoạt.
Cơn đau đầu cụm không phổ biến nhưng rất dữ dội, thường xuất hiện theo từng cơn, tái phát trong 15 phút hoặc sau vài giờ. Cơn đau thường lên đến đỉnh điểm trong 5 đến 10 phút đầu tiên và có thể kéo dài đến 2 giờ trước khi giảm bớt. Cơn đau có thể khiến người bệnh thức giấc vào giữa đêm.
Người bệnh có thể cảm thấy nhức một bên đầu, bắt đầu phía một bên gần vùng mắt, đến lông mày rồi tỏa ra bộ phận khác của mặt và cổ. Kèm theo đau đầu, mắt và mũi của bên bị ảnh hưởng cũng bị chảy nước. Vùng da quanh mắt có thể lệch xuống gây sụp mí mắt. Mặt lúc này cũng sưng phía bên đầu bị đau. Khi đang đau đầu cụm, người bệnh cũng thường bị đổ mồ hôi và cảm thấy bồn chồn, muốn di chuyển tới lui thay vì ngồi nghỉ ngơi giống các triệu chứng đau đầu khác.
Cơn đau đầu cụm nghiêm trọng đến mức được một số người mắc ví như "búa bổ", cơn đau tồi tệ nhất trong đời. Một người được chẩn đoán đau đầu chùm nếu trải qua ít nhất 5 cơn đau đầu với một trong các dấu hiệu điển hình là đau dữ dội ở một bên đầu, đau đầu kèm theo ít nhất một trong các triệu chứng khác, tần suất xuất hiện ngày càng tăng lên, có thể đến 8 lần một ngày.
Loại đau đầu này thường có xu hướng xảy ra vào những thời điểm cố định trong ngày như vào ban đêm, theo mùa, phổ biến hơn vào mùa xuân hoặc mùa thu. Các chu kỳ đau đầu cụm xen kẽ với các giai đoạn thuyên giảm, có thể kéo dài từ dưới một tháng đến vài năm.
Người bị đau đầu cụm thường bị đau rất dữ dội. Ảnh: Freepik
Báo cáo nghiên cứu liên quan đến triệu chứng và ảnh hưởng do đau đầu cụm trên tạp chí BioMed Central (Mỹ) cho thấy, trường hợp mạn tính, người bệnh không có triệu chứng cụ thể trước khi khởi phát, thường gặp phải một số triệu chứng khác:
Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh: Đây được xem là triệu chứng báo hiệu trước khi bạn bị đau đầu cụm.
Ảnh hưởng về nhận thức: Tuy ít gặp phải, bạn có thể bị ảnh hưởng ngắn hạn về khả năng ghi nhớ, thiếu tập trung khi cơn đau đầu cụm sắp kéo đến.
Trầm cảm và lo lắng:Đau đầu cụm từng cơn và mạn tính có liên quan đến cảm giác chán nản hoặc lo lắng ở mức độ cao.
Nguyên nhân trực tiếp của chứng đau đầu chùm là sự giãn nở của các mạch máu, gây áp lực lên dây thần kinh sinh ba - dây thần kinh liên quan đến cảm giác và cử động trên khuôn mặt. Di truyền, hút thuốc lá, thời tiết nóng, uống nhiều cà phê, ăn thực phẩm chứa nhiều muối... có thể là tác nhân kích hoạt loại đau đầu này. Trong đó, hút thuốc là một trong những tác nhân thường gặp nhất gây đau đầu cụm.
Nhức đầu cụm cấp tính và mạn tính có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, hiệu suất làm việc và nếp sinh hoạt cá nhân. Bạn nên lưu ý chăm sóc sức khỏe, nghỉ ngơi hợp lý, giảm mức độ căng thẳng, thiền và thường xuyên vận động thể chất.
Người thường gặp loại đau đầu này nên chọn ăn thực phẩm có lợi cho sức khỏe trí não trước những dịp thi cử, dự án công việc. Nhóm nghiên cứu dinh dưỡng Nội thần kinh Đại học Harvard gợi ý, người bệnh nên chọn ăn thực phẩm thuộc nhóm cá béo, rau lá xanh (như cải xoăn, rau bina, cải thìa và bông cải xanh), nhóm quả mọng. Phơi nắng sáng trước 9 giờ để tạo vitamin D, góp phần thúc đẩy trao đổi chất cho cơ thể và gia tăng "hormone vui vẻ" tự nhiên cho não bộ.
Bạn nên nhờ hỗ trợ từ người thân, tìm kiếm sự giúp đỡ y tế sớm nếu gặp phải các triệu chứng và dấu hiệu như nhức đầu đột ngột, dữ dội; nhức đầu kèm sốt, buồn nôn hoặc nôn mửa; có dấu hiệu co giật, mất khả năng nói và bị tê liệt (dấu hiệu não bộ đang tổn thương).
Mai Chi
(Theo Very Well Health)