Người xưa nói: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng“, lại có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở“, thậm chí gay gắt hơn thì nói thẳng: “Miếng ăn là miếng nhục“.
Như vậy, từ lâu ăn uống không còn đơn thuần là chuyện chạm thìa, chạm đũa mà đã trở thành một nét văn hóa.
Nhìn cách một người dùng bữa có thể thấy được nhiều điều trong tính cách của họ.
Nhìn cách một người dùng bữa có thể thấy được nhiều điều trong tính cách của họ. Ảnh dẫn theo ins.daikynguyenvn.com
Phẩm chất của một người được định hình ngay từ trên bàn ăn
Hồi tôi đi làm, buổi trưa ăn cơm với đồng nghiệp, mọi người thường chia sẻ đồ ăn với nhau, nào là bánh trái, nào là cơm rang, thịt cá… Có một anh chàng ăn uống rất tự nhiên. Sau khi mau chóng ăn hết phần cơm của mình, anh ta cứ đưa mắt nhìn chằm chằm vào đôi đũa của người khác, lại vờ hỏi: “Cơm của anh trông ngon quá nhỉ?“. Mỗi lần như vậy, người ta dù không muốn cũng đành phải vì phép lịch sự mà chia thêm chút đồ ăn cho anh ta.
Một hôm, sáng sớm đi làm gấp quá, tôi chỉ mang theo được một chút cơm còn thừa lại đêm qua và hai miếng sườn nhỏ để ăn trưa. Như thường lệ, ánh mắt của anh chàng nọ lại nhìn sang hộp cơm của tôi, cuối cùng không cầm lòng nổi nói: “Cho tớ một miếng được chứ? Tớ chỉ muốn biết mùi vị thế nào thôi“. Tôi bèn cho anh ta cả hai miếng sườn đó luôn dù cho bụng đói cồn cào. Về sau, có một lần tôi tình cờ bắt gặp anh ta đang khoe khoang với người khác rằng mỗi tháng đều săn mua một bộ đồ hiệu Amarni. Nghe vậy, tôi chỉ lặng lẽ dần dần tránh xa, không đi cùng anh ta nữa.
Một lần khác, tôi cùng nhóm bạn thân đi du lịch. Người yêu của một anh bạn trong nhóm lúc nào cũng kêu đói bụng. Cô ấy ham ăn uống còn hơn cả hứng thú đi du lịch. Mỗi lần đến điểm dừng chân, trước hết chọn quán ăn, rồi tự cho mình quyền chọn món ăn ưa thích. Cô luôn gọi rất nhiều món, tưởng như đó là bữa ăn cuối cùng vậy.
Nhưng trong khi dùng bữa, cô lại luôn buông lời trách móc, chê bai đồ ăn, nào là “món này mặn quá, món kia nhạt quá“, nào là “chẳng ngon như ở nhà làm“… Món nào không hợp khẩu vị, cô liền gạt sang một bên, không thèm đụng đũa, tính khí như một đứa trẻ khó chiều chuộng. Bữa ăn cuối kết thúc chuyến du lịch, chúng tôi gọi món lẩu làm tiệc chia tay. Trong lúc ăn, cô nàng vẩy nước chấm vung vãi khắp nơi, chiếm trọn lấy một đĩa cánh gà, xương vụn ném đầy bàn.
Tôi thấy vậy bèn cầm miếng giấy vệ sinh gom xương gà cho vào đĩa nhỏ. Cô nàng quay sang nói: “Không cần đâu anh. Mình trả tiền để được phục vụ mà. Cứ để lát nữa họ dọn đi, đừng đụng vào bẩn tay chân!“. Đoạn, cô quay sang gọi lớn nhân viên phục vụ đến tính tiền và dọn dẹp đống rác bừa bãi ấy. Cô cũng chẳng hề bận tâm, cứ ngồi nguyên trước đống xương gà to như trái núi mà buôn chuyện, cười đùa hả hê, ra chiều thích thú.
Quả thực, ăn uống không chỉ còn là một nét văn hóa. Nó chính là sự tu dưỡng nội tâm, tính cách của người ta. Trên bàn ăn, dẫu chỉ là một cử chỉ rất nhỏ cũng bộc lộ rõ cá tính, thái độ của một người. Người thô lỗ thì ăn bặm uống trợn, vứt rác bừa phứa khắp nơi. Kẻ thanh tao thì nói năng nhỏ nhẹ, ăn uống chừng mực, ăn đâu gọn đấy. Người hướng nội thì thích ăn một mình, kẻ hướng ngoại lại thích đông người tụ họp.
Phàm là người luôn giành gắp đồ ăn trước, lại gắp miếng lớn nhất, thì thường rất ích kỷ, tự tư. Người cứ đòi nếm thử đồ bạn đang ăn thì đại khái trong đời cũng thường là người thích chiếm lợi của kẻ khác. Còn những người chịu múc cho bạn chén canh trước, gắp miếng to nhất cho bạn, không phô trương, không lãng phí, không quá kén chọn đồ ăn, thì nhất định là người ngay thẳng, thiện lương, có thể tin cậy được.
Trên bàn ăn, dẫu chỉ là một cử chỉ rất nhỏ cũng bộc lộ rõ cá tính, thái độ của một người. Ảnh dẫn theo nonla.vn
Thái độ trên bàn ăn phản ánh sự giáo dục của cha mẹ
Thói quen ăn uống của một người chính là được hình thành từ những bữa cơm gia đình tuổi ấu thơ. Có người nói rằng, chỉ cần nhìn cách bạn ăn uống cũng có thể đoán ra hoàn cảnh của cha mẹ bạn và cách họ dạy dỗ bạn ra sao. Đó hoàn toàn không phải chuyện phóng đại.
Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường nhưng đối với chuyện ăn uống, cha mẹ đều dạy dỗ rất nghiêm túc. Ngày nhỏ, có lần vì chờ mẹ vẫn còn lúi húi trong bếp làm thêm một món cuối, tôi nhịn không nổi bèn bưng bát cơm lên định ăn. Nhưng bố tôi quay sang quắc mắt nhìn và nói: “Con hãy bỏ bát cơm xuống. Mẹ con vẫn còn chưa ngồi vào bàn cơ mà!“. Từ đó, trong những bữa cơm dù là với gia đình hay người lạ, tôi đều luôn đợi đến khi toàn bộ thức ăn được dọn lên bàn và mọi người đều đã ngồi vào chỗ rồi mới cầm đũa lên.
Có một năm, vào dịp Tết, tôi cùng bố mẹ sang nhà bà nội chơi. Nhìn thấy bánh mứt và đồ ăn vặt bày la liệt trên bàn, vốn tính tham ăn, tôi không khách sáo, tay bốc lấy được cho vào trong miệng. Mẹ bước đến trước mặt tôi với vẻ mặt nghiêm túc: “Ăn uống phải có chừng mực. Con đừng làm như kẻ đói khát, cái gì cũng chưa được ăn bao giờ vậy!”.
Hồi học trung học, có lần tôi mời mấy người bạn đến nhà ăn cơm. Trong bữa tiệc, tôi cắm cúi ăn uống thỏa thích, còn các bạn lại rất ngại ngùng đưa đũa. Mẹ vừa nói với các bạn: “Hãy cứ tự nhiên như ở nhà mình“, vừa quay sang bảo tôi rằng: “Con mau gắp đồ ăn cho bạn đi“. Từ đó, trong những lúc chiêu đãi khách khứa, tôi có thói quen hỏi han, gắp đồ cho mọi người trước rồi mới đụng đũa. Tôi hiểu rằng, cần phải biết quan tâm đến cảm nhận của người khác trước tiên.
Cha mẹ cũng thường nhắc tôi: “Cần phải biết gắp đồ ăn cho người lớn, bề trên“. Khi liên hoan cùng chúng bạn, tôi cũng được dạy rằng: “Đừng bao giờ gắp miếng thịt sau cùng trên đĩa vào bát của mình“. Những đạo lý, phép tắc cư xử rất giản đơn mà tinh tế ấy khiến sau này dù đi bao xa tôi cũng đều luôn ghi khắc trong lòng.
Thái độ trên bàn ăn phản ánh sự giáo dục của cha mẹ. Ảnh dẫn theo iwamsn2012.ac.vn
Nết ăn uống của người Việt xưa
Trên mâm cơm của người Việt có rất nhiều quy tắc, lễ nghi. Khách ở phương xa đến nếu không học cho thấu đáo, tường tận thì không tránh khỏi thất thố. Người Việt xưa rất trọng nghi lễ, tới bữa cơm thì phải “mời cơm” bậc bề trên, đại để như: “Con mời bố mời cơm/ Cháu mời bà mời cơm!“. Có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” là như thế. Vào bữa ăn, nhất định mọi người phải ngồi vào chỗ đông đủ thì mới bắt đầu đụng đũa. Con cháu sẽ lần lượt mời cơm các bậc tiền bối, cao tuổi từ trên xuống dưới từng người một, sau đó mới được cầm đũa lên ăn.
Có khách quý đến nhà, gia chủ sẽ thể hiện sự hào phóng, lịch sự của mình bằng rất nhiều món ngon, lại tận tình gắp miếng đầu tiên, ngon nhất vào bát cho khách. Gắp thức ăn cho nhau cũng là một nét độc đáo trong bữa cơm Việt. Cha mẹ gắp thức ăn cho ông bà. Đến lượt ông bà lại nhường phần ngon cho con cháu.
Người Việt cũng rất kiêng kỵ những hành động vô lễ, thiếu lịch sự trên bàn ăn. Ví dụ người ta kiêng chọc đôi đũa dựng đứng vào bát cơm vì cho rằng đó là hình ảnh của bát cơm cúng, đem lại điều xui rủi. Khi ăn người ta cũng dùng đũa rất nhẹ tay, kỵ nhất là làm đũa gãy. Cách ăn cũng phải thể hiện ra bản thân là một người có lễ nghĩa: Không nhai chóp chép, không vứt xương bừa bãi, không cầm đũa đảo lật để chọn thức ăn trên đĩa, húp canh không được phát ra tiếng, không vừa nhai vừa nhồm nhoài nói, không đặt bát cơm xuống bàn để và không gõ bát đũa…
Trên mâm cơm của người Việt có rất nhiều quy tắc, lễ nghi. Ảnh dẫn theo youtube.com
Đặc biệt, trong bữa ăn, người Việt rất kiêng nói đến những chôuyện không vui, những điều bực dọc. Có câu: “Trời đánh tránh bữa ăn“, mà người già cũng thường hay nói: “Chớ eo xèo khi đãi khách, đừng hậm hực lúc ăn cơm“. Bữa cơm là lúc các thành viên quây quần, thưởng thức, nghỉ ngơi, nói chuyện, chia sẻ, thế nên bữa cơm luôn là đi kèm với vẻ ấm cúng. Chẳng thế mà người ta hay dùng từ “bữa cơm đoàn viên” để chỉ mừng vui ngày gặp mặt đó sao?
Dù là cơm canh đạm bạc hay cỗ đầy mâm cao, người xưa luôn chú trọng đến cái “phẩm” chứ không phải cái “lượng”. Ăn cơm cũng không cốt để no dạ mà chính là thể hiện một nét văn hóa, một nét tu dưỡng của đạo làm người. Bởi thế mà bữa cơm Việt lúc nào cũng đầm ấm, chan hòa. Những người con xa xứ, kỷ niệm nhắc nhớ đầu tiên về quê nhà chính là những bữa cơm đầy thiêng liêng, ấm áp tình người ấy.
Nguồn: Daikynguyenvn.com