Nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp thường bị xem là thứ bỏ đi như bẹ chuối, rơm, thân bèo tây, mo cau, bã mía... qua bàn tay khéo léo của những người thợ đã trở thành những sản phẩm xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao.
Những sản phẩm làm từ mo cau. (Ảnh: Dân Trí)
Chén, đĩa mo cau xuất khẩu
Ở nông thôn, trước đây mo cau thường được dùng làm quạt. Từ khi có điện, có quạt máy, mo cau trở nên vô dụng. Nhưng hiện nay, khi mọi người đang nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa, những chiếc mo cau đã trở thành các sản phẩm thân thiện với môi trường, mang lại thu nhập cao.
Mo cau được làm sạch, phơi khô, ép nhiệt, khử khuẩn để tạo thành chén, đĩa, muỗng, khay... đẹp mắt.
Thấy người dân ở vùng trồng cau nổi tiếng Quảng Ngãi chỉ dùng mo cau để đốt chứ cũng không tận dụng làm gì, anh Nguyễn Văn Tuyến (SN 1984) nảy ra ý tưởng làm sản phẩm thân thiện từ mo cau. Tháng 10/2019, anh Tuyến chính thức bắt tay vào dự án sản xuất chén, dĩa, muỗng, tô, ly... bằng mo cau.
Mỗi tháng, anh Tuyến xuất bán ra thị trường khoảng 50.000-60.000 sản phẩm từ mo cau với giá 1.000-3.000 đồng, mang lại lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng. Sản phẩm cung ứng cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Đan bèo tây xuất ngoại kiếm tiền triệu
Thân cây bèo tây (lục bình) tưởng chừng chỉ là đồ bỏ đi hoặc làm thức ăn cho động vật nhưng qua bàn tay khéo léo của những thợ thủ công ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) hay làng nghề xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) lại “biến” thành hàng thủ công mỹ nghệ, cho thu nhập cao.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng thân cây bèo tây. (Ảnh: Dân trí)
Bèo tây là thực vật thủy sinh mỗi cây trưởng thành thường dài 60-90 cm. Sau khi thu hoạch, người thợ sẽ cắt bỏ phần gốc và phần lá rồi phơi khô để làm nguyên liệu đan các mặt hàng xuất khẩu. Sản phẩm được tạo ra từ thân bèo tây rất đa dạng, như: thảm, giỏ đựng đồ, kệ đựng báo, rổ, làn, khay giấy, bình hoa, ghế salon,... Các mặt hàng này tương đối phong phú về kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc.
Sản phẩm từ bèo tây không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được xuất khẩu đi các thị trường châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Quấn rơm khô xuất khẩu
Trước rơm thường để trâu bò ăn hoặc đốt bỏ sau khi thu hoạch lúa. Hiện ở nhiều nơi, rơm được thương lái đến tận ruộng thu mua. Rơm được dùng làm thức ăn cho gia súc, làm phôi nấm, làm giấy viết. Ngoài ra, rơm còn là nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ, trang trí phục vụ cho các du du lịch và xuất khẩu.
Tết rơm khô thành các con thú xuất ngoại (Ảnh: Dân trí)
Nghề quấn, tết rơm khô thành các con thú xuất ngoại hình thành ở một số xã của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) khoảng chục năm nay. Nguyên liệu chính để làm các con thú rơm là thân cây lúa tám thơm sấy khô. Những cọng rơm khô này được tết thành các con vật có hình thù ngộ nghĩnh. Khi xuất sang Nhật, chúng trở thành những con thú linh thiêng dùng để thờ cúng.
Nhờ nghề quấn rơm khô mà nhiều nông dân nơi đây có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, thoát nghèo, nuôi các con ăn học.
Biến vỏ trấu thành hàng xuất khẩu
Từng là phế phẩm bỏ đi nhưng hiện nhiều doanh nghiệp ở Đồng Tháp và An Giang đã mày mò, chế biến vỏ trấu (vỏ của hạt lúa) thành củi để xuất khẩu.
Sản xuất củi trấu (Ảnh: Thanh Niên)
Một công ty ở Đồng Tháp đã ép vỏ trấu thành viên và bán với giá trên 1.000 đồng/kg. Mỗi tháng cơ sở này xuất khẩu 10.000 tấn củi trấu viên sang thị trường Hàn Quốc và châu Âu. Củi trấu được nhiều quốc gia ưa chuộng bởi khi đốt không gây ô nhiễm môi trường.
Còn tại An Giang, giá trấu tươi được bán với giá khoảng 700 đồng/kg, còn giá củi trấu thành phẩm bán sỉ 1.300-1.400 đồng/kg. Ở đây, trấu trở nên đắt đỏ bởi sản lượng xay xát ra bao nhiêu đều được đưa vào máy ép củi trấu.
Lõi ngô xuất khẩu giá cao
Cũng là loại phụ phẩm nông nghiệp mà trước đây nông dân Việt Nam thường đốt bỏ đi thì mấy năm trở lại đây lõi ngô được khá nhiều doanh nghiệp thu mua để bán sang Hàn Quốc, châu Âu.
Lõi ngô bán tại Hàn Quốc. (Ảnh: Dân Việt)
Từ năm 2016, Hàn Quốc bắt đầu nhập lõi ngô khô từ Việt Nam. Chúng được sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm hay đơn giản là luộc lấy nước uống. Tại 'xứ sở kim chi', lõi ngô có giá 2.000 won (40.000 đồng) một túi 5 cái.
Ngoài Hàn Quốc thì phía Nhật Bản cũng nhập khoảng 250.000 tấn phế phẩm này để làm thức ăn chăn nuôi. Giá lõi ngô thu mua tại Long An khoảng 1.000-2.000 đồng/kg.
Ngoài ra, lõi ngô cũng được dùng để làm than hoạt tính. Mức giá than lõi ngô khoảng 10.000 đồng/kg.
Thân cây chuối bán thu triệu USD
Thân cây chuối ở Việt Nam lâu nay chỉ dùng để cho lợn ăn, thậm chí bỏ đi. Trên thế giới, thị trường sợi chuối đã hình thành và phát triển khoảng 15-20 năm. Những quốc gia xuất khẩu sợi chuối thô lớn nhất thế giới như: Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, mỗi năm thu hàng tỷ USD.
Sợi chuối thô có thể được sử dụng để làm ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ (Ảnh: Thời báo Kinh doanh)
Sợi chuối nhẹ hơn so với sợi từ tre, nứa và có tính chịu nước cao, có tuổi thọ cao nên có thể được sử dụng để làm ra nhiều loại sản phẩm như: thủ công mỹ nghệ, giấy các loại, đến những vật liệu cao cấp trong công nghiệp ô tô, du thuyền,...
Mới đây, một hợp tác xã ở Phú Xuyên (Hà Nội) đã thành công trong việc ép thân chuối thành sợi và xuất khẩu. Thân cây chuối thu gom về được bổ đôi, tách bẹ và đưa vào máy ép sợi. Sợi chuối được phân loại và đưa lên giàn, phơi khô, sau đó bó lại và đưa vào máy quay sợi.
Hiện giá sợi chuối thô thấp nhất vào khoảng 3,5 USD/kg. Với diện tích trồng chuối ở nước ta vào khoảng 200.000 ha, tương đương với 200.000 tấn sợi mỗi năm thì giá trị tiềm năng của sản phẩm này có thể lên tới 700 triệu USD.
Xơ dừa xuất khẩu
Xơ dừa trước bị bỏ đi hoặc chỉ để trồng lan nhưng hiện được tận dụng làm nguyên liệu chế biến nhiều sản phẩm như xơ dừa thô ép kiện, chỉ xơ dừa, thảm xơ dừa,...
Tại Bến Tre, người dân có thể kiếm hàng triệu đồng mỗi tháng nhờ bán xơ dừa. Các công ty xuất khẩu mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn tấn với giá 170-350 USD/tấn.
Báo cáo của UBND xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc cho thấy, mỗi năm, một cơ sở ở đây sản xuất khoảng 30.000 tấn xơ dừa. Nguyên liệu này được xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc,...
Bã mía đi Hàn Quốc, Nhật Bản
Ở Việt Nam, bã mía thường bị bỏ đi hoặc làm thức ăn cho trâu bò. Bã mía còn được thu mua để sản xuất ra cồn, làm nguyên liệu đốt lò tạo ra năng lượng điện.
Bã mía là một nguồn xơ có ích.
Đây còn là một nguồn xơ có ích, có thể làm nguyên liệu để sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi, làm ván ép, làm bột giấy,... Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bã mía cho biết họ không có đủ sản phẩm cung cấp cho khách hàng.
Bã mía xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản có giá từ 120-250 USD/tấn.
Nguồn: Hạnh Nguyên/ Vietnamnet.vn