Ảnh hưởng từ đổi múi giờ trong lịch sử, người Tây Ban Nha kéo dài thời gian làm việc và sinh hoạt về đêm, điều gây tranh cãi nhiều năm qua.
Người Tây Ban Nha không ăn trưa trước 14h chiều. Ca làm thường kết thúc sau 19h và bữa tối sớm nhất bắt đầu lúc 20h30. Để phục vụ nhu cầu du lịch, nhiều nhà hàng ở nước này cũng mở cửa quá nửa đêm, các nhân viên về nhà lúc rạng sáng.
Yolanda Diaz, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế, Lao động và Xã hội Tây Ban Nha, gần đây chỉ trích văn hóa sống về đêm của quốc gia là "điên rồ".
"Không có nước nào lại mở nhà hàng đến tận 1h sáng. Thật điên rồ khi người Tây Ban Nha làm ngơ vấn đề này cho đến khi không còn biết bây giờ là mấy giờ nữa", bà Diaz nói.
Isabel Ayuso, Thị trưởng Madrid, phản pháo lại luận điểm này. "Người Tây Ban Nha chúng ta khác biệt. Đừng biến chúng ta thành những kẻ buồn chán, suốt ngày ở nhà".
Người Tây Ban Nha tiệc tùng bên trong một quán bar ở Barcelona, tháng 1/2022. Ảnh: Reuters
Số giờ làm việc của người Tây Ban Nha chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức trung bình của châu Âu, nhưng lại ngủ ít hơn hầu hết phần còn lại của châu lục, trung bình ngủ 7,13 tiếng mỗi đêm.
Chính phủ Tây Ban Nha gần đây tham vấn Viện Sử dụng Thời gian (TUI) ở Barcelona để điều chỉnh luật về giờ làm việc. Marta Junque, chuyên gia TUI, cho biết trước đây Tây Ban Nha không thường "sống muộn" như vậy.
"Ông bà tôi thức dậy khi mặt trời ló dạng và ngừng làm việc khi tắt ánh mặt trời. Bây giờ trời tối vào lúc 18h hoặc 19h nhưng chúng ta vẫn làm việc", Junque nói.
Thời gian biểu của người Tây Ban Nha thay đổi từ thời nhà độc tài Francisco Franco, người được phát xít Đức và Italy hậu thuẫn, lãnh đạo đất nước năm 1936-1975. Trong Thế chiến II, Franco đã điều chỉnh múi giờ của Tây Ban Nha sang múi giờ của Đức. Thời gian biểu người người dân phải cộng thêm một giờ và đến nay vẫn chưa được điều chỉnh lại.
"Đáng lẽ chúng tôi phải cùng múi giờ với Bồ Đào Nha hoặc Anh. Nhưng thay vào đó, người Tây Ban Nha vẫn sống theo múi giờ Đức", Junque cho biết.
Kinh tế Tây Ban Nha suy thoái dưới thời Franco cũng buộc lao động phải làm nhiều công việc một lúc, khiến giấc ngủ trưa (siesta) ngày càng phổ biến.
Bắt nguồn từ chữ "sexta" trong tiếng Laitn, nghĩa là giờ thứ 6 sau bình minh, giấc ngủ trưa là thời gian nghỉ ngơi truyền thống của nông dân Tây Ban Nha và Italy, thường vào khoảng giữa trưa, khi ánh nắng gay gắt ở Địa Trung Hải lên đỉnh điểm.
Dưới thời Franco, người dân Tây Ban Nha thức dậy lúc bình minh, làm việc 6-8 tiếng, ăn uống, nghỉ trưa 2-3 tiếng, sau đó di chuyển đến nơi khác để làm công việc thứ hai trong vài tiếng cho đến tối.
Dù khảo sát năm 2016 cho thấy chưa đầy 18% người Tây Ban Nha thường xuyên ngủ trưa, hơn 50% nói không có thói quen này, động thái đổi múi giờ dưới thời Franco đã ảnh hưởng đến "đồng hồ sinh học" của Tây Ban Nha cho đến ngày nay, kéo nhịp sống của nền kinh tế đến tận đêm khuya.
Văn phòng, hàng quán ở Tây Ban Nha vẫn thường đóng cửa nghỉ trưa 2-3 tiếng rồi hoạt động đến tối, kéo dài thời gian nhân viên phải ở nơi làm việc.
Lao động Tây Ban Nha nghỉ trưa dưới bóng râm trong những năm 1950. Ảnh: United Archives
Chuyên gia Junque mô tả lối sinh hoạt này khiến người Tây Ban Nha "nghèo thời gian", đặc biệt ảnh hưởng đến phụ nữ, những người thường đảm nhận nội trợ trong khi vẫn đi làm. Theo TUI, 30% phụ nữ Tây Ban Nha thiếu nghiêm trọng thời gian dành cho bản thân.
Lối sinh hoạt này cũng có thể là nguyên nhân khiến năng suất làm việc của lao động Tây Ban Nha kém so với các nước châu Âu khác.
"Thời gian làm việc càng kéo dài thì năng suất của bạn càng kém. 'Văn hóa điểm danh' hiện diện ở các văn phòng Tây Ban Nha, tức đề cao lao động có mặt tại nơi làm việc hơn là có năng suất làm việc tốt", bà Junque nhận định. "Thực tế chứng minh thời gian làm việc dài và thiếu quyền tự chủ trong chọn giờ làm khiến năng suất làm việc Tây Ban Nha thấp".
Tây Ban Nha đã vật lộn tìm cách điều chỉnh lại múi giờ và "đồng hồ sinh học" quốc gia. Cựu thủ tướng Mariano Rajoy năm 2016 từng nỗ lực kéo múi giờ của Tây Ban Nha về múi giờ Anh nhưng bất thành.
Người Tây Ban Nha tụ tập, đi dạo tại Palma, tháng 7/2022. Ảnh: AFP
Chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez hiện chủ trương linh hoạt, giảm thời gian làm việc, đồng thời yêu cầu bắt buộc tăng lương đối với những nhân viên làm đêm.
Chính sách này có tác động lớn đến ngành dịch vụ, du lịch Tây Ban Nha. Việc phục vụ nhiều "múi giờ ăn uống" của nhiều du khách từ các văn hóa khác nhau khiến các nhà hàng chịu gánh nặng chi phí vận hành. Tại khu phố El Carmen nổi tiếng ở Valencia, đám đông đến ăn tối chỉ đạt đỉnh điểm sau 22h.
Đến quá nửa đêm, khu phố vẫn tập nấp du khách, tràn ngập tiếng cười, tiếng nhạc. "Trong khi các quan chức tranh cãi về giờ làm việc muộn, người Tây Ban Nha dường như sẽ không sớm thay đổi lối sống về đêm này", Atika Shubert, phóng viên của CNN, nhận định.
Đức Trung (Theo CNN)
Nguồn: VNEXPRESS.NET