Vì sao chúng ta luôn cảm thấy buồn ngủ sau khi ăn no ?

Ắt hẳn chúng ta ai cũng từng trải qua cảm giác “căng da bụng, chùng da mắt” sau một bữa ăn phủ phê. Đó có thể là sau bữa tiệc cưới, tất niên, đám giỗ hoặc thường thấy nhất là sau giờ cơm trưa tại văn phòng.

132 1 Vi Sao Chung Ta Luon Cam Thay Buon Ngu Sau Khi An No

Vì sao mà chúng ta lại “căng da bụng, chùng da mắt”?

Trong tiếng Anh hiện tượng buồn ngủ sau bữa ăn được biết đến với tên gọi ‘food coma’ hay ‘postprandial somnolence’. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về nguyên nhân dẫn đến food coma nhưng vẫn chưa có kết luận sau cùng. Sau đây là những giả thuyết phổ biến để lý giải hiện tượng này:

Ăn thức ăn có chứa tryptophan

132 2 Vi Sao Chung Ta Luon Cam Thay Buon Ngu Sau Khi An No

Tryptophan là một loại amino acid thường có nhiều trong các loại thịt đỏ, trứng và sữa. Khi ăn thức ăn chứa amino acid kết hợp với thực phẩm giàu carbs (như cơm, khoai tây, bánh mì) lượng serotonin trong cơ thể sẽ tăng.

Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh, được biết đến rộng rãi trong việc điều hòa tâm trạng khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Tryptophan và serotonin cũng đóng vai trò chủ chốt trong việc sản xuất melatonin (hormone điều hòa giấc ngủ) trong cơ thể, dẫn tới cảm giác “chùng da mắt”.

Thay đổi lượng máu lên não

Khi bạn ăn no, hệ thần kinh phó giao cảm (parasympathetic nervous system) sẽ được kích hoạt. Nó có chức năng điều hòa hô hấp và nhịp tim, bên cạnh đó là tăng cường khả năng tiêu hóa.

Khi có tín hiệu của hệ thần kinh phó giao cảm, lượng máu sẽ chảy đến hệ tiêu hóa để hỗ trợ cho quá trình hấp thụ thức ăn. Điều này dẫn đến việc máu sẽ ít chảy đến những bộ phận còn lại của cơ thể hơn – bao gồm não, khiến chúng ta cảm thấy cơ thể lừ đừ và mệt mỏi.

Bữa ăn thừa chất béo và ít carbs

Trong một nghiên cứu khác, việc ăn một bữa ăn nhiều chất béo và ít carbs khiến cho lượng cholecystokinin – một loại hormone ức chế cảm giác đói – trong cơ thể gia tăng. Khi thực hiện thí nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa cơn buồn ngủ và lượng cholecystokinin trong cơ thể.

Vậy làm thế nào để chúng ta không còn “ngáp ngắn ngáp dài” sau khi ăn? Hiện tượng “căng da bụng, chùng da mắt” là bình thường và chẳng gây hại gì. Tuy nhiên, nếu đó là sau bữa trưa văn phòng thì lại khác, bởi chúng ta còn khối việc phải làm vào buổi chiều. Để có thể hạn chế cơn buồn ngủ, bạn có thể:

Cân bằng dinh dưỡng

Nghĩa là cân bằng giữa lượng protein, carbs và chất béo dung nạp vào cơ thể. Theo viện Y học Hàn lâm Quốc gia, một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng là khi bạn tiêu thụ:

45 – 65% lượng calo từ carbs (có nhiều trong: các loại quả mọng, rau tươi, ngũ cốc nguyên hạt).

20 – 35% lượng calo từ chất béo (có nhiều trong: quả bơ, phô mai, dầu thực vật).

10 – 35% lượng calo từ protein (có nhiều trong: thịt ,trứng, sữa).

Chia nhỏ khẩu phần và ăn thức ăn dạng lỏng

132 3 Vi Sao Chung Ta Luon Cam Thay Buon Ngu Sau Khi An No

Hẳn là ai cũng có ít nhất một lần trót ăn quá trớn vào buổi trưa, để buổi chiều lại ngồi gà gật trước màn hình máy tính. Vì vậy thay vì một bữa ăn lớn, bạn có thể chia nhỏ thành bữa trưa và bữa xế.

Bên cạnh đó, ăn thức ăn lỏng (như canh và súp) cũng giúp bạn dễ tiêu hơn, khiến cơ thể bớt nặng nề dẫn đến cảm giác buồn ngủ.

Để chủ động hơn trong việc kiểm soát thành phần lẫn khẩu phần, bạn có thể tự nấu ăn mang đi làm với thực đơn 3 món canh, mặn, xào.

Ngủ đủ giấc

132 4 Vi Sao Chung Ta Luon Cam Thay Buon Ngu Sau Khi An No

Nếu bạn thiếu ngủ vào đêm trước, dễ hiểu khi nó càng khiến bạn ‘mở mắt không lên’ sau giờ ăn trưa. Nếu biết trước hôm đó có họp vào buổi chiều thì để chắc ăn, bạn nên ngủ đủ vào tối hôm trước hoặc chợp mắt 15 phút sau giờ trưa.

Vận động sau khi ăn

Bạn có thể đi bộ quanh khu vực làm việc để tăng cường lưu thông máu và kích thích cơ bắp sau bữa ăn. Đi bộ sẽ tiếp thêm năng lượng cho cơ thể giúp bạn cảm thấy tỉnh táo hơn vào đầu giờ chiều.

Bài liên quan