Các nhà khoa học cho biết nhiều bang tại Mỹ tránh được làn sóng dịch bệnh bùng phát nhờ người dân dành nhiều thời gian tương tác xã hội ở ngoài trời thay vì tụ tập trong nhà.
Đã 6 tháng từ khi nước Mỹ khởi động tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân, khoảng cách về tỷ lệ tiêm chủng đã xuất hiện giữa các bang.
Đáng chú ý, ngay tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng thuộc nhóm thấp nhất, số ca mắc Covid-19 không tăng mạnh như ở các bang tiêm chủng nhanh hơn. Nguyên nhân được các nhà khoa học miêu tả là nhờ hiệu ứng “không gian mở”, theo Wall Street Journal.
Khác với khu vực miền Bắc vốn có thời tiết lạnh giá hơn, người dân ở miền Nam không bị bó buộc trong những không gian kín và khô nên cần sử dụng hệ thống sưởi ấm vào mùa đông và đầu xuân.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra Covid-19 không lây lan mạnh ở ngoài trời như cách nó phát tán trong phòng kín, một phần bởi virus dễ dàng bị phân tán trong không gian mở. Một số công trình khác cũng cho thấy ánh sáng mặt trời có thể khiến virus bất hoạt.
Trái ngược giữa miền Nam và Đông Bắc
Nhiều bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất nước Mỹ nằm ở khu vực miền Nam như Mississippi, Georgia, Alabama và Arkansas. Năm 2020, dịch bệnh không bùng phát mạnh vào mùa xuân. Nhưng khi mùa hè đến, số ca nhiễm virus gia tăng chóng mặt.
Đầu năm nay, hiện tượng tương tự lại tiếp diễn ở các bang miền Nam, trái ngược với số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trong mùa đông và đầu xuân ở khu vực đông bắc như Vermont, Massachusetts và New Hampshire – những bang có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất cả nước.
Nguy cơ dịch bệnh lây lan ở các bang miền Nam trong những tháng mùa đông và đầu xuân được đánh giá là tương đối thấp, bởi người dân ở đây có thể thoải mái tương tác xã hội tại không gian mở, nơi virus corona dễ bị phân tán, các nhà dịch tễ học cho biết.
Một số bang miền Nam của Mỹ vẫn có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Ảnh: Getty.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra virus SARS-CoV-2 ít lây lan hơn ở ngoài trời và trong môi trường ẩm ướt.
Giới chức y tế lúc này lo ngại khi mùa hè đến, các bang thời tiết nóng nực sẽ dễ bị tổn thương trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh nếu chưa thể nâng cao tỷ lệ tiêm chủng. Bởi nếu nhiệt độ tăng cao, người dân sẽ dành nhiều thời gian hơn trong nhà sử dụng điều hòa nhiệt độ, nơi có không gian kín và khô.
“Tác động của sinh hoạt ngoài trời lớn hơn nhiều so với nhận thức của công chúng. Điều kiện thoáng khí, đặc tính theo mùa, cùng văn hóa sinh hoạt ngoài trời là những yếu tố chủ chốt làm giảm số ca mắc bệnh”, Marty Makary, chuyên gia tễ học tại Đại học Johns Hopkins, đánh giá.
7 trong tổng số 10 bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất nước Mỹ nằm ở khu vực miền Nam, tỷ lệ người dân được tiêm ít nhất một liều vaccine chỉ là 37,9%. Trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ tiêm chủng ít nhất một liều vaccine là 50,5%.
Ngược lại, 10 bang tiêm chủng nhanh nhất có tỷ lệ người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine là 62,6%.
Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 mới giảm mạnh trong thời gian cuối tháng 2 đến đầu tháng 5 là xu hướng nhất quán ở các bang miền Nam.
Tạ Mississippi, nơi chỉ 34% người dân được tiêm ít nhất một liều vaccine, trung bình chỉ có 162 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày tính từ 1/3, giảm đến 72% so với trước đó.
Ca mắc trung bình mỗi ngày ở Georgia thậm chí đã giảm 83%, trong khi con số này ở Arkansas là 81%. Hai bang nói trên cũng có tỷ lệ tiêm chủng dưới 40%.
Cùng thời gian này, trong 10 bang có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất cả nước nằm ở khu vực Đông Bắc, 9 bang chứng kiến số ca mắc Covid-19 liên tục tăng, trước khi vaccine phát huy tác dụng giúp kiềm chế đà lây lan của virus.
Với 70% người dân được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, Vermont là nơi tiêm chủng nhanh nhất cả nước. Thế nhưng, số ca mắc Covid-19 trung bình theo tuần đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn từ 1/3-4/4, còn số ca mắc mới cao nhất một ngày lên đến 190.
Sau khi vaccine phát huy hiệu quả, số ca mắc mới ở Vermont đã giảm sâu, chỉ còn trung bình 27,3 ca mỗi ngày.
Maine, Massachusetts và New Hampshire cũng chứng kiến dịch bệnh bùng phát mạnh trong tháng 3 và đầu tháng 4, trước khi được kiềm chế nhờ vaccine.
Tác động của sinh hoạt ngoài trời và độ ẩm
Khác biệt về xu hướng dịch bệnh giữa các khu vực miền Nam và đông bắc nước Mỹ củng cố thêm lập luận rằng những không gian kín – nơi độ ẩm thấp bởi điều hòa nhiệt độ hoặc lò sưởi – là yếu tố chính khiến Covid-19 lan rộng.
“Khi thời tiết đẹp, người ta ít bật điều hòa hoặc lò sưởi, những thiết bị ấy luân chuyển không khí trong nhà, có thể khiến virus tích tụ”, giáo sư Linsey Marr, chuyên gia từ Viện Công nghệ Virginia, cho biết.
Giáo sư Marr cho biết không khí lưu thông tự nhiên trong môi trường thông thoáng có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm virus, tương tự khẩu trang và vaccine.
Các biện pháp như tiêm vaccine, đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, vẫn được các chuyên gia y tế coi là những yếu tố then chốt giúp ngăn dịch bệnh lan rộng.
Tuy nhiên, không ít nghiên cứu cho thấy virus corona không lây lan mạnh ở ngoài trời do dễ bị phân tán trong không gian mở.
Một công trình đánh giá các điều kiện lây lan của virus công bố hồi tháng 2 trên tạp chí khoa học Infectious Diseases cho thấy tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 trong không gian kín cao gấp 19 lần so với ngoài trời.
Trước đó, nghiên cứu công bố hồi tháng 12/2020 cũng cho thấy 94% sự kiện siêu lây nhiễm ở Mỹ diễn ra tại các không gian kín với điều kiện thông gió hạn chế.
Sinh hoạt ngoài trời và độ ẩm cao là những yếu tố giúp giảm nguy cơ mắc Covid-19. Ảnh: AP.
Ngoài điều kiện luân chuyển của không khí, độ ẩm cũng là một nhân tố đáng chú ý.
Nghiên cứu của giáo sư Marr cho thấy các loại virus như SARS-CoV-2 được bao bọc bên trong một màng chất béo, chúng phát triển mạnh trong môi trường có độ ẩm dưới 40%.
Trong khi đó, virus trở nên kém ổn định và ít lây lan trong môi trường có độ ẩm cao hơn.
Độ ẩm trong nhà nhìn chung phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ ngoài trời, giáo sư Marr cho biết. Trong những tháng mùa đông và đầu xuân ở khu vực đông bắc nước Mỹ, hệ thống sưởi ấm sẽ làm giảm độ ẩm của không gian trong nhà xuống mức 10-20%.
Trong khi đó, độ ẩm môi trường trong nhà ở các bang miền Nam cùng thời gian này là khoảng 60%.
Trong môi trường điều hòa nhiệt độ, độ ẩm không khí bị giảm xuống mức 30%. Không gian kín với điều hòa nhiệt độ có nguy cơ lây lan Covid-19 cao gấp đôi, bởi độ ẩm thấp cùng cơ chế tuần hoàn không khí trong nhà.
“Đó là lý do mà vào mùa hè năm ngoái, chúng ta chứng kiến làn sóng dịch bệnh tăng mạnh ở khu vực các bang miền Nam. Bởi nhiệt độ quá cao, mọi người đều sử dụng điều hòa nhiệt độ”, giáo sư Marr nói.
Độ ẩm không khí thấp cũng ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch của cơ thể chống lại các bệnh do virus gây ra, theo giáo sư Akiko Iwasaki, chuyên gia miễn dịch từ Đại học Yale.
Hai phản ứng quan trọng nhất của cơ thể khi virus xâm nhập, gồm loại bỏ virus khỏi mô phổi và sản xuất Cytokine ngăn virus tự nhân bản, bị ức chế trong điều kiện độ ẩm dưới 40%, nghiên cứu của giáo sư Iwasaki cho biết.
“Điều này giúp giải thích đặc tính theo mùa của các loại virus như cúm và cảm lạnh thông thường, cũng như lý giải vì sao người ta dễ mắc những loại bệnh này vào các tháng mùa đông, bởi họ dành nhiều thời gian hơn trong các không gian kín, khô”, giáo sư Iwasaki nói.
Dù vậy, các nhà khoa học tiếp tục khẳng định, bất kể điều kiện thời tiết cũng như thói quen sinh hoạt như thế nào, tiêm chủng vẫn là một điều kiện tiên quyết nếu muốn giảm đà lây lan, và cuối cùng là kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.
“Việc tiêm chủng và người dân dành nhiều thời gian hơn sinh hoạt ngoài trời là hai yếu tố lớn nhất giúp số ca mắc bệnh mùa xuân vừa qua tương đối thấp”, theo ông Brannon Traxler, nhà dịch tễ học tại cơ quan y tế của bang South Carolina, cho biết.
“Nếu chúng ta có thể thuyết phục người dân tiêm vaccine, khi đó điều kiện thời tiết, địa điểm cũng như cách thức người dân tụ tập sẽ ít trở thành vấn đề cần quan tâm”, giáo sư Traxler nói thêm.
Theo zing