Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước châu Âu hành động đối với dịch COVID-19, gồm đẩy mạnh tiêm ngừa và đeo khẩu trang nếu không muốn trả giá bằng những biện pháp chống dịch nghiêm trọng hơn sau này.
Người dân đeo khẩu trang trên tàu ở Tây Ban Nha vào tháng 1-2022 - Ảnh: REUTERS
Trong phát biểu ngày 19-7, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế của khu vực này bị quá tải trong mùa thu và đông sắp tới.
"Đôi khi mọi người hỏi liệu có phải virus đã trở lại. Nó chưa từng biến mất mà vẫn ở đó, nó lây lan, biến đổi và không may là vẫn đang cướp đi nhiều mạng sống", ông nói với Hãng tin Reuters.
Ông Kluge cho biết số ca mắc mới COVID-19 đã gia tăng tại châu Âu trong thời gian gần đây. Khoảng 3 triệu ca mắc mới COVID-19 đã được ghi nhận tại châu Âu trong tuần qua, chiếm gần 50% trong tổng số ca mắc mới trên toàn cầu. Tỉ lệ bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp đôi trong cùng giai đoạn và gần 3.000 người tử vong vì COVID-19 mỗi tuần.
Quan chức WHO nhấn mạnh phải có các biện pháp "ổn định" dịch gồm tiêm mũi tăng cường thứ 2 vắc xin ngừa COVID-19 trước khi có vắc xin đặc hiệu đối với các biến thể, cũng như khuyến khích việc đeo khẩu trang và cải thiện hệ thống thông khí.
Ông Kluge cũng kêu gọi cơ quan y tế tại các quốc gia hành động khẩn cấp để tránh khiến hệ thống y tế bị "choáng ngợp" trước sự lây lan mạnh của BA.5 - biến thể phụ của Omicron. "Đợi đến mùa thu mới hành động là quá trễ", ông nói.
Hiện BA.5 được đánh giá là có khả năng kháng vắc xin cao hơn các biến thể khác, đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ và khiến làn sóng dịch COVID-19 tăng trở lại ở một số nước châu Âu. Cơ quan WHO tại châu Âu tuần trước đã đề xuất tiêm liều vắc xin ngừa COVID-19 thứ 4 cho người trên 60 tuổi.
Ngày 19-7, giới chức y tế Úc cũng khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở các khu vực trong nhà và đi tiêm các liều vắc xin tăng cường trong bối cảnh biến thể phụ BA.5 của Omicron đang lây lan nhanh ở nước này. Các quan chức năng cảnh báo làn sóng dịch bệnh thứ 3 hiện nay tại nước này mới chỉ bắt đầu và sẽ kéo dài khoảng 5 tuần nữa.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online