Gia đình Tâm phản đối kịch liệt vì không muốn con gái khổ và đứt đoạn tình duyên thêm một lần nữa. Song cô không chịu nghe lời, muốn chạy theo thứ tình cảm nam nữ ấy.
Ghé Đức Hòa (Long An) hỏi thăm 5 mẹ con người phụ nữ nhặt rác tên Tâm (28 tuổi) ai cũng hay biết. Thậm chí từ già đến trẻ nhỏ đều có thể kể vanh vách hoàn cảnh đáng thương ấy. "Ngày nắng cũng như mưa, cái Tâm đều cầm bao tải đi nhặt ve chai, theo sau là 3 đứa nhỏ. Bé nào cũng đen nhẻm, cởi trần rồi chân đất. Chúng tôi thi thoảng lại hùn tiền mua bánh kẹo hoặc gạo, thịt... đưa nó đem về nấu bữa ngon cho lũ trẻ. Tội nghiệp lắm nhưng đó là sự lựa chọn của nó, chứ gia đình giàu có lắm", chị Lan Vi (45 tuổi) - sinh sống gần nơi mưu sinh của bốn mẹ con cho biết.
Chị vừa dứt lời, một bà cụ chừng 65 tuổi thở dài: "Con bé ấy sướng chẳng biết đường hưởng. Nó cãi lời cha mẹ cưới người đàn ông nghèo rồi bây giờ khổ như vậy. Hơn 9 năm nay, nó đi khắp lề đường góc chợ nhặt rác mưu sinh cũng là thời gian "rũ bỏ" mác tiểu thư nhà giàu".
Lúc này chúng tôi không hiểu tại sao Tâm lại là tiểu thư nhà giàu?, bà cụ giải thích cặn kẽ: "Nó vốn sinh ra trong gia đình khá giả, có của ăn của để. Đến tuổi cập kê, nó được cha mẹ gả cho chàng trai có cùng gia đình. Cả hai có chung một bé trai 9 tuổi rồi ly hôn. Lúc này gia đình quyết định dang tay cưu mang hai mẹ con nó để có cuộc sống sung sướng. Vậy mà nó phải lòng người đàn ông quê Sóc Trăng nghèo khó".
Tâm và 3 đứa con đi khắp nơi trong huyện Đức Hòa nhặt ve chai mưu sinh.
Cuối cùng người mẹ đành cho con gái tự lựa chọn: hoặc bỏ hết 4 đứa con riêng với người mới rồi quay trở về nhà hưởng thụ cuộc sống xa hoa hoặc muốn đi đâu thì đi.
Tâm lúc này không muốn rời xa các con nên nài nỉ, thuyết phục mẹ đồng ý mối quan hệ này. Nhưng bà kiên quyết từ chối rồi từ mặt, không nhận làm con gái. Cô đành dứt áo theo chồng mới, chấp nhận cảnh mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai nuôi 4 đứa con.
Cãi lời cha mẹ, Tâm cùng chồng hờ thuê một căn nhà ở gần khu công nghiệp làm chỗ tránh nắng mưa. Một thời gian, cả hai bị chủ đuổi đi, thuê một căn phòng trọ rộng vỏn vẹn vài mét vuông với mức tiền 800.000 đồng/tháng. Sau đó họ bắt đầu tháng ngày khốn khó, rong ruổi khắp các con đường, xó chợ...
"Nhiều người cứ ngỡ tôi và anh ấy chỉ có với nhau 3 đứa con. Thực tế chúng tôi có 4 đứa: hai đứa lớn sinh đôi 6 tuổi, một bé được gửi lên chùa nhờ các sư thầy nuôi giúp, đứa út 3 tuổi.
Tôi đưa lũ trẻ đi nhặt ve chai gặp gia đình hoài. Có bữa tôi gặp chị ruột và cậu ruột nhưng họ ngại nên đâu có nhận tôi là người thân. Vậy mà người ngoài, chẳng máu mủ gì với mình lại xót xa cho hoàn cảnh của mẹ con tôi lắm. Họ sẵn sàng cho tiền hoặc mua bánh kẹo cho lũ nhỏ.
Có người thương tôi đã về khuyên nhủ mẹ tôi tha thứ tất cả. Sau đó họ bảo bà đón mẹ con tôi về. Lúc sau mẹ ra gặp tôi chửi có chân có tay sao đi xin tiền người ta rồi nghĩ chồng tôi ăn chơi, không chịu làm ăn bắt vợ con đi nhặt ve chai. Mẹ chỉ chửi chứ chưa bao giờ hỏi han tôi một câu tử tế. Tôi buồn lắm nhưng có nhiều người ở khu này hiểu hoàn cảnh của tôi", Tâm bộc bạch trong nước mắt.
Tâm hi vọng một ngày nào đó được cha mẹ tha thứ.
Nhắc đến chuyện vì sao lại để con nhỏ đi nhặt ve chai, người đàn bà gần 30 tuổi cho biết vì thương con nên không nỡ để ở nhà. Cô đành tha lôi con đi khắp nơi kiếm sống. "Sáng nào tôi cũng cho lũ trẻ ăn cơm thật no rồi đem theo vài bịch sữa. Bốn mẹ con cứ thế đi nhặt xuyên trưa đến tối mới về. Hôm nào có tiền thì cả nhà ăn cơm cùng trứng, chứ không tôi lại dắt díu lũ trẻ ra chợ để người ta cho miếng thịt, con cá...", Tâm chia sẻ.
Mỗi ngày đi nhặt ve chai, Tâm kiếm được vài chục đến vài trăm nghìn. Bữa nào may mắn, mẹ con cô gặp được người tốt thì thêm chút đỉnh, đủ để sống lay lắt qua ngày. Cô nói: "Tôi con nhà giàu mà trót thương ông xã nhưng gia đình không chấp nhận mới bỏ đi thế này chứ? Giờ hai vợ chồng y chang người mồ côi, chẳng có người thân".
Dù cực khổ song 4 đứa trẻ vô cùng ngoan và hiểu chuyện. Tất cả đều biết phụ mẹ đi nhặt ve chai, không hề kêu than một câu mệt. "Mấy đứa khôn lắm, biết né xe và tránh bị ngã. Bữa nọ tôi đi lượm dưới bờ ao, tụi nó không dám lại gần và liên mồm dặn mẹ phải cẩn thận kẻo ngã. Có hôm tôi lượm xong liền mượn xe máy người ta đi bán, lũ trẻ ngồi đợi ở bãi chờ mẹ về", Tâm tự hào về các con.
Chúng tôi bất chợt nhắc đến gia đình chồng, Tâm không ngần ngại khoe rằng ông bà rất thương con thương cháu nhưng nghèo, lại ở tít dưới quê nên chẳng thể giúp được gì nhiều. Hiện 3 bé lớn đã đến tuổi đi học nhưng cô không thể làm giấy tờ, vẫn đang phân vân nhờ nhà chùa làm giúp để cho các con đến trường.
Sâu trong đôi mắt của người đàn bà chớm 30 luôn ánh lên vẻ buồn rầu. Khi chúng tôi hỏi, cô trầm ngâm: "Tôi bỏ nhà đi gần chục năm nhưng luôn đau đáu nghĩ tới việc cãi mẹ cha. Có lẽ tôi cãi nên đời mới cay đắng như thế. Tôi đã làm mẹ buồn và xấu hổ nhiều. Tôi luôn hi vọng một ngày nào đó cha mẹ tha thứ tất cả, để tôi được quay trở về".
NGỌC HÀ (Tạp chí Đời sống và Pháp luật)