Nhiều suy nghĩ cho rằng những bạn đi du học nhà ít điều kiện thì mới cần làm thêm, còn các bạn du học sinh nhà có điều kiện được chu cấp đầy đủ chỉ cần tận hưởng cuộc sống. Sự thật thì…
Du học thường chia làm 2 dạng chính:
Dạng thứ nhất, là đi theo học bổng cấp bởi tổ chức chính phủ, phi chính phủ hoặc trường đăng ký theo học. Dạng còn lại là đi tự túc.
Du học tự túc trước đây được coi là cánh cửa cơ hội chỉ dành cho những người sinh ra trong điều kiện gia đình khá giả. Đó là một thách thức lớn đối với các gia đình lao động, ngoài việc học phí, và cuộc sống đắt tiền ở các nước phát triển, và chỉ những gia đình giàu có mới đủ khả năng.
Thời đại kinh tế đất nước mở cửa kéo theo nhu cầu tiếp cận các nền văn hóa đa quốc gia tăng cao. Các gia đình ít điều kiện cố gắng vun vén để chắp cánh ước mơ cho con cháu.
Nếu ngày xưa giấc mơ du học chỉ là viển vông, ngày nay các bạn trẻ sống trong gia đình tầm trung hoặc dưới mức trung có thêm cơ hội theo đuổi ước mơ của mình với điều kiện các bạn phải kiếm một phần học bổng hỗ trợ hoặc đi làm thêm khi du học .
Vì lẽ đó, nhiều người cho rằng chỉ có du học sinh nhà ít điều kiện mới đi làm thêm. Còn những du học sinh nhà giàu có gia đình chu cấp, các bạn chỉ cần học và tận hưởng cuộc sống.
Tuy nhiên, với sự chênh lệch tỷ giá giữa Việt Nam và các nước khác, cùng một số tiền bạn có thể tiêu xài thoải mái ở Việt Nam, khi sang nước ngoài đôi khi cũng chỉ vừa đủ.
Nếu bạn tự hào về sự khá giả của gia đình bạn ở quê hương, nhưng khi bước chân qua đây, với khoản trợ cấp hàng tháng bạn chỉ có thể đủ khả năng để sinh sống. Vì vậy, có rất nhiều sinh viên mặc dù gia đình khá giả vẫn đi làm thêm và độc lập với chi phí sinh hoạt nơi xứ người.
Những chia sẻ từ cựu du học sinh có xuất thân từ gia đình giàu có ở Việt Nam
Bạn Việt, cựu du học sinh tại trường Oxford Brookes University ở Luân Đôn đã chia sẻ những trải nghiệm của bạn về khoảng thời gian còn là sinh viên. Vốn có xuất thân từ gia đình khá giả, Việt không cần phải đi làm thêm mà vẫn có thể thoải mái học tập và sinh sống tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Thế nhưng Việt đã chọn bước ra khỏi vùng an toàn, thử thách bản thân mình và làm chủ cuộc sống của mình thay vì dựa vào sự hỗ trợ từ gia đình. Việt hiện tại đã quay về Việt Nam và mở công ty riêng cho mình.
Chúng ta cùng lắng nghe một số chia sẻ của của bạn nhé.
Chào bạn, được biết lúc đi du học, bạn được gia đình chu cấp và ủng hộ hoàn toàn. Kinh tế gia đình của bạn cũng không bắt buộc bạn phải kiếm tiền trong khi đang du học . Vậy lý do gì đã thôi thúc bạn đi làm thêm?
“Tôi muốn rèn luyện bản thân của mình, chứng minh với gia đình rằng một khi mình đã đi du học thì mình cũng ráng bước ra cuộc sống để lăn lộn, có sự cố gắng vươn lên.
“Từ sự chịu khó và tích lũy kinh nghiệm, qua thời gian sẽ tạo nên bản lĩnh. Mọi thứ ở nước ngoài cũng đắt đỏ, tôi muốn trang trải thêm cho cuộc sống của mình và có thể mua quà về cho người thân. Bên cạnh đó là trải nghiệm bản thân, tôi học được cách thức làm việc và làm đẹp CV của mình, ” Việt chia sẻ.
Bạn đã làm thêm công việc gì?
“Tôi làm ở nhà hàng Việt Nam 1 tuần. Công việc tiếp theo là làm ở tiệm gà nướng. Một thời gian sau thì tôi đi dạy thêm tennis cho trẻ em.”
Từ một ‘công tử’ được gia đình bảo bọc, từng không phải đụng đến những công việc chân tay, bạn đã trải qua những khó khăn nào trong thời gian đầu làm việc?
“Lúc đi kiếm việc, tôi là người không có kinh nghiệm, khả năng ngôn ngữ và văn hóa bản địa còn hạn chế. Tôi nộp đơn rất nhiều nơi nhưng không nhận được cuộc gọi phỏng vấn nào. Khi mới bắt đầu làm việc, tôi khá nhút nhát và mất một thời gian để bắt nhịp công việc. Làm ở nhà hàng rất cực và bận rộn, đông khách nhất là cuối tuần nên lịch cuối tuần của tôi luôn kín mít.
“Ở Việt Nam thì lúc nào cũng cơm dâng nước rót, nhưng khi qua đây tôi phải trải qua những công việc rất vất vả. Tôi thấy đó là thời gian tôi trưởng thành nhiều nhất. Có những đêm làm đến 1 giờ sáng, phải bắt chuyến xe bus cuối cùng để kịp về nhà. Nếu nhỡ chuyến đó phải bắt taxi, thì nguyên đêm đó xem như đi làm không công. Về nhà ngủ vài tiếng đến sáng sớm hôm sau lại tiếp tục quay trở lại nhà hàng làm việc,” Việt cho biết thêm.
Có bao giờ bạn muốn bỏ cuộc và trở về cuộc sống có ba mẹ chu cấp không?
“Tôi từng có phút yếu lòng nhưng tôi không muốn quay lại cuộc sống có ba mẹ chu cấp đầu đủ. Bởi vì nếu như vậy, chúng ta cứ cứ mãi ở trong vùng an toàn thì không bao giờ lớn được. Nếu tôi không trải nghiệm và rèn luyện bản lĩnh thì tôi nghĩ mình sẽ khó làm những chuyện to tát hơn. Tôi luôn tự nhắc mình rằng “bạn bè mình, nhiều người đã làm được, sao mình lại không làm được?’’
Nếu quay lại thời điểm đó, bạn nghĩ mình sẽ vẫn làm công việc đó chứ?
“Chắc chắn tôi vẫn làm. Làm để biết, làm để trải nghiệm và làm để trưởng thành. Tuy nhiên, tôi nghĩ tôi sẽ lựa chọn công việc phù hợp hơn với khả năng, trình độ và hiểu biết của mình.”
Bạn thấy mình đã thay đổi ra sao trước và sau khi đi làm thêm lúc du học?
“Tôi thấy mình mạnh mẽ hơn, chững chạc hơn và tự tin hơn. Từng trải qua những công việc bưng bê, phục vụ, tôi cảm thấy trân trọng những người làm công việc đó, trân trọng những người lao động chân tay xung quanh mình hơn.
“Bên cạnh đó, tôi học được tính kiên nhẫn với sếp, linh động trong ứng xử công việc với những khách hàng khó tính. Trên hết, tôi học được cách trân trọng đồng tiền hơn. Với tiền gia đình chu cấp sẵn, bạn sẽ khó có thể trân trọng bằng đồng tiền mình làm ra và còn mua quà được cho người thân và gia đình của mình.”
Cảm ơn bạn về buổi trò chuyện.
Không nên vội vàng đánh giá chỉ vì hoàn cảnh xuất thân của du học sinh
Cái áo không làm nên thầy tu. Cũng như chúng ta không thể vội đánh giá về một người chỉ vì hoàn cảnh xuất thân của họ.
Bởi lẽ, có nhiều bạn du học sinh có gia cảnh khó khăn, khi sang học ở nước ngoài, các bạn không đủ bản lĩnh, bị cuốn vào những cám dỗ và dễ đánh mất bản thân.
Có thể nhiều bạn được may mắn sống trong gia đình được ba mẹ cưng chiều, chu cấp đầy đủ. Nhưng khi đi du học, ở cuộc sống mới, rời xa vòng tay gia đình, các bạn phải tự bươn chải và thích nghi với cuộc sống độc lập.
Những lúc đó sẽ là thời điểm thử thách tính cách và khả năng kiên nhẫn của các bạn để chứng minh cho mọi người thấy sự trưởng thành của mình.
Các bạn nên chuẩn bị những gì nếu muốn làm thêm khi du học?
Rèn luyện kỹ năng tiếng Anh không ngừng.
Đây là yếu tố không thể thiếu nếu bạn muốn nhanh chóng tìm được việc làm ở đất nước nói tiếng Anh. Ngoài ra, với những công việc đòi hỏi giao tiếp thuường xuyên, nếu biết những từ lóng hay từ địa phương, bạn cũng sẽ dễ dàng hơn trong công việc, cũng như chiếm thiện cảm với đồng nghiệp và khách hàng.
Chuẩn bị 1 CV rõ ràng, mạch lạc và nêu bật những điểm mạnh của bạn.
Những tài lẻ, khả năng sửa chữa máy móc, đồ đạc, đan thêu hay một sở thích nào đó cũng có thể giúp bạn tìm được một công việc làm thêm ít vất vả, thú vị hơn và lương cao hơn.
Luyện kỹ năng phỏng vấn.
Sau khi qua vòng CV, một số nơi sẽ nhắn tin hoặc gọi điện thoại mời bạn đến phỏng vấn. Tùy tính chất công việc sẽ có cách phỏng vấn khác nhau. Với những công việc thiên về kỹ thuật, nếu bạn có kinh nghiệm, họ sẽ yêu cầu làm thử vài tiếng. Với những công việc liên quan đến giao tiếp, phục vụ khách hàng, họ thường sẽ nói chuyện với bạn để xem khả năng giao tiếp, cách xử lý tình huống và tính trung thực của bạn.
Sự kiên nhẫn và không bỏ cuộc.
Không có khung thời gian cụ thể cho thời gian bạn sẽ kiếm được công việc. Có thể bạn phải chờ 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng hoặc hơn thế nữa. Nhưng hãy luôn trong tâm thế sẵn sàng và tích cực tìm kiếm từ bạn bè, thầy cô trong trường, trên các trang kiếm việc (Seek.com, Careerone, Indeed.com,vv…). Thành công sẽ mỉm cười với người chịu cố gắng.
Theo SBS Vietnamese