Lời cảnh báo nguy cơ đói nghèo và thiếu lương thực do đại dịch Covid-19 sớm trở thành hiện thực ở một quốc gia giàu có như Vương quốc Anh quả là điều khó tin.
Sự việc chưa tới mức nghiêm trọng nhưng vấn đề thiếu lương thực đã gây ra tranh cãi trong mấy tháng qua tại Anh, cụ thể là xuất hiện nhiều lời kêu gọi cung cấp các bữa ăn miễn phí cho trẻ em nghèo ở nước này...
Mới đây, Tổ chức từ thiện Trussell Trust hoạt động tại Anh cho biết, các ngân hàng lương thực ở nước này đang hoạt động hiệu quả trong bối cảnh ngày càng có nhiều người dân ở xứ sở sương mù rơi vào cảnh nghèo đói do tác động của đại dịch Covid-19. Trussell Trust hiện có các chương trình hỗ trợ cho hơn 1.200 ngân hàng lương thực trên toàn Vương quốc Anh. Theo tổ chức này, mức sử dụng các ngân hàng lương thực tại Anh đã tăng 47% trong 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 9 vừa qua, vượt xa so với mức kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái. Tính trung bình mỗi ngày, các ngân hàng lương thực đã cung cấp 2.600 gói lương thực khẩn cấp cho trẻ em trong tổng số hơn 1,2 triệu gói lương thực cấp cho những người gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Ngân hàng lương thực ở Anh ghi nhận mức tăng kỷ lục nhu cầu sử dụng lương thực.
Giám đốc điều hành Trussell Trust, bà Emma Revie trong một tuyên bố khẳng định, đại dịch Covid-19 chứng tỏ rằng điều không ngờ tới có thể xảy đến và gây hậu quả nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt là sinh hoạt thường nhật của người dân.
Tình trạng thiếu lương thực ở Anh, nhất là hàng triệu trẻ em nghèo đang đối mặt với nguy cơ bị đói, được biết tới nhiều hơn từ sau khi tuyển thủ đội tuyển bóng đá quốc gia Marcus Rashford lên tiếng kêu gọi mọi người chung tay quyên góp để cung cấp các bữa ăn miễn phí cho học sinh nghèo ở một số trường học, trung tâm bảo trợ xã hội. Lời kêu gọi này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng xã hội, tuy nhiên nó cũng khiến Chính phủ Anh phải đối mặt nhiều hơn với búa rìu dư luận về khả năng ứng phó với đại dịch, cùng những hệ lụy đối với nền kinh tế và đời sống người dân.
Theo các thống kê mới nhất, Vương quốc Anh đã trở thành nước đầu tiên tại châu Âu có số ca tử vong do đại dịch Covid-19 vượt quá 50.000 người. Trong làn sóng lây nhiễm thứ hai nước Anh đang phải trải qua, số ca mắc mới tăng chóng mặt mỗi ngày, khiến nước này nhanh chóng gia nhập danh sách không mong muốn các nước có hơn 1 triệu ca mắc Covid-19. Dịch bệnh chưa được kiểm soát khiến nền kinh tế Anh rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng chưa từng có, do tác động của các lệnh phong tỏa. Số liệu công bố cách đây ít ngày cho thấy, tín hiệu hy vọng hơn khi kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục mạnh trong quý III năm 2020 nhờ việc nới lỏng lệnh phong tỏa được áp đặt ban đầu. Tuy nhiên, sự lạc quan này cũng rất mong manh do tình hình dịch bệnh diễn biến không mấy khả quan. Thậm chí có cảnh báo cho rằng, do đại dịch chưa được kiểm soát, tình trạng thất nghiệp, sinh viên ra trường không có việc làm trong hai năm tới sẽ tồi tệ hơn cả thời kỳ khủng hoảng năm 2008 ở Anh. Nước Anh hiện đang trong 4 tuần áp dụng lệnh phong tỏa lần thứ hai kể từ khi xảy ra đại dịch. Anh đã cho dừng tất cả các chuyến bay thương mại trong nước và quốc tế khiến nền kinh tế càng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Theo ước tính, hiện nước Anh có khoảng 4 triệu trẻ em đang sống trong cảnh nghèo đói và một phần ba trong số đó phải sống dựa vào những bữa ăn miễn phí ở trường. Và sự thật khó tin nữa là, đối với nhiều em trong số đó, bữa ăn miễn phí ở trường là bữa ăn duy nhất mà chúng có trong ngày. Đại dịch đã khiến nhiều phụ huynh ở Anh mất việc làm hoặc giảm giờ làm khiến thu nhập bị ảnh hưởng, không bảo đảm được cuộc sống. Các bác sĩ nhi khoa của Anh đã cùng nhau lên tiếng thúc giục chính phủ cung cấp các bữa ăn miễn phí cho trẻ em nghèo, nhưng lời đề nghị này đã thực sự “làm khó” cho chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson trong bối cảnh hiện nay. Hạ viện Anh gần đây đã bác bỏ dự luật cung cấp bữa ăn miễn phí trong tất cả các kỳ nghỉ học từ tháng 10 đến hết kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Tuy nhiên, sau nhiều sức ép, Chính phủ Anh cuối cùng quyết định sẽ cung cấp bữa ăn miễn phí cho các trẻ em nghèo trong kỳ nghỉ đông.
Vấn đề thiếu lương thực ở Anh đã bị chính trị hóa và bị biến thành cái cớ để phe đối lập công kích chính phủ hiện nay. Trước khi Chính phủ Anh đưa ra quyết định về việc cung cấp bữa ăn miễn phí nói trên, Công đảng đối lập đã gây nhiều áp lực và đe dọa đưa vấn đề này trở lại Hạ viện. Những tranh cãi nội bộ về vấn đề này khiến những người có quan điểm ủng hộ các chính sách bảo vệ trẻ em thực sự bị sốc. Bà Anne Longfield, Ủy viên Hội đồng Trẻ em của Anh bày tỏ thất vọng: “Chúng ta là một quốc gia giàu có. Hiện giờ là năm 2020 vậy mà chúng ta lại phải tranh luận về việc liệu chúng ta có nên bảo đảm cho những đứa trẻ không bị đói hay không? Điều này rất giống với điều mà chúng ta mong đợi sẽ thấy trong các chương của "Oliver Twist"-cuốn tiểu thuyết đã xuất bản vào thế kỷ 19 vậy”.