Tâm sự của việt kiều: Đi chợ ở châu Âu còn rẻ hơn… Hà Nội!

Sang Châu Âu tôi không bao giờ nghĩ rằng thực phẩm an toàn mà lại rẻ đến như vậy.

Một số đồng nghiệp của tôi đã từng làm thơ khi ngồi trên máy bay nhưng chưa thấy ai viết blog. Bài viết này của tôi được thực hiện trên độ cao 5.000m không phải vì thích chơi trội mà chỉ đơn giản tôi đang rất muốn chia sẻ với những bà nội trợ Việt, chia sẻ ngay bây giờ, ngay lập tức về những trải nghiệm mới mẻ mà tôi có được trong chuyến đi châu Âu lần này của mình.

Các cụ thường nói xảy nhà ra thất nghiệp vì thế trước mỗi chuyến đi xa tôi thường chuẩn bị khá kỹ càng, từ chân tơ kẽ tóc sao cho khi bung vali ra thì mọi thứ đầy đủ gần được như ở nhà.

Phải như thế mới đạt yêu cầu và tôi mới có cảm giác tự tin. Từ quần áo điệu đà đủ cho mọi tình huống, thuốc men cũng đủ dùng cho những thứ bệnh thông thường, giày dép cũng phải 2 đôi ngoài cao gót thì còn có thêm đôi giày bệt dành cho lúc đi bộ khám phá, phấn son nói chung đủ cả. Và dĩ nhiên không thể thiếu lương thực là mì tôm, gạo, đồ hộp, đồ khô.

Cái này ai từng đi nước ngoài đều hiểu vì đây là kinh nghiệm mà người đi trước nhiệt tình truyền lại cho người đi sau để đỡ bỡ ngỡ và đỡ tốn kém. Thời buổi kinh tế khó khăn phải hạn chế chi tiêu nhất là ở Châu Âu nơi mọi thứ vô cùng đắt đỏ.

132 1 Tam Su Cua Viet Kieu Di Cho O Chau Au Con Re Hon Ha Noi

Nói như vậy để bạn dễ hình dung cảm giác của tôi sau hơn 10 tiếng oằn lưng ngồi máy bay đến sân bay Charle de Gaul, Pháp, 5 tiếng vật vờ đợi trung chuyển để rồi ở sân bay Brussels, Bỉ, tôi nghe sét đánh ngang tai: Chiếc vali của tôi bị thất lạc! Cả gia tài hiện tại nơi xứ người chỉ còn chiếc điện thoại hết pin, bộ quần áo duy nhất đang mặc trên người và cái túi xách nhỏ đựng ví và giấy tờ.

Về đến căn hộ được thuê, quá mệt mỏi và chán nản, tôi gieo mình xuống chiếc giường ngủ một giấc dài. Sáng tỉnh dậy, tôi thấy ở ghế sô pha phòng khách 2 bộ quần áo được xếp gọn ghẽ do chị chủ nhà-một Việt Kiều tốt bụng mang đến khi tôi đang ngủ.

Hít một hơi dài không khí trong lành của nơi được mệnh danh là rừng trong thành phố, tôi chợt nhận ra trước mặt tôi là một căn bếp đẹp như trong mơ. Bạn có nghĩ giống tôi không? Vâng, còn chần chừ gì nữa, vào vai bà nội chợ châu Âu, đi siêu thị, xài euro.

Ở cửa siêu thị, tôi bắt gặp hai mẹ con mua táo, trả tiền xong, người mẹ đưa cô bé quả táo và cô bé ăn ngon lành, còn tôi, một bà mẹ xa con bỗng thấy chạnh lòng. Chạnh lòng vì họ thật hồn nhiên và vô ưu cứ như thể những lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm ở rất xa, phải xa đến hơn chục ngàn km nơi hai đứa con bé bỏng của tôi ở đó.

Từ lâu chúng không được mẹ cho ăn món khoái khẩu chỉ vì một lần tôi “sơ ý” để quên 6 tháng mà quả táo vẫn tươi đẹp vẹn nguyên. Nhiều lần đi siêu thị, hai bé đòi mẹ mua cho ăn. Tôi đã phải giải thích với hai bé rằng đây là quả táo đỏ của mụ phù thủy trong phim Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn…

Trước khi đi, bạn bè có khuyên, định mua gì thì đừng có quy đổi sang tiền Việt vì như thế sẽ chẳng dám mua. Đây là lời khuyên mà tôi không thể làm theo, nhìn cái gì tôi cũng chăm chăm tính tính toán toán và cũng nhờ thế phát hiện ra nhiều điều ngạc nhiên. Rằng tất cả những gì là xa xỉ ở Việt Nam thì sang đây giá cả lại rất hợp lý.

132 2 Tam Su Cua Viet Kieu Di Cho O Chau Au Con Re Hon Ha Noi

Quả táo đỏ ở đây giá khoảng 10.000 đồng một quả, chỉ đắt bằng 25% giá táo nhập khẩu ở Việt Nam.

Còn một thứ quả mà tôi chết mê đó là dâu tây giá chỉ 100.000 đồng/kg. Thứ quả bên này dù ở nhiệt độ 5 độ C nhưng cứ cuối ngày là hạ giá 50% bởi nó rất dễ hỏng, vậy mà ở Việt Nam, dâu tây được đóng gói bày bán ngày này qua ngày khác dưới cái nắng nóng nhiệt đới ở phố Hàng Da mà chả sao cả.

Ở Việt Nam, ai làm mẹ đều từng băn khoăn khi mua sữa cho trẻ em vì không biết loại nào tốt và an toàn thì ở Bỉ các bà mẹ hoàn toàn yên tâm về chất lượng sữa và giá rẻ hơn ở Việt Nam từ một nửa đến 1/3.

Một điều đặc biệt là những người sắp làm mẹ bên này tiết kiệm được một khoản kha khá khi không uống sữa bà bầu mà chỉ uống sữa tươi. Sữa tươi ở Bỉ rất ngon, giàu chất dinh dưỡng và được chính phủ trợ giá nên chỉ dao động từ 12.000-35.000 đồng/lít.

Thịt gà và thịt bò ở Việt Nam khá đắt nhưng sang siêu thị bên này giá cả rất vừa phải chỉ 100.000đ/kg với thịt gà và 300.000đ/kg với thịt bò.

Rau cỏ ở Brussels nhỉnh hơn ở Việt Nam một chút, nhưng nếu ai quen mua rau sạch ở siêu thị Việt Nam (mà chả biết có sạch thật hay không) thì sẽ thấy không chênh lệch đáng kể.

Với người Việt còn thấy mấy thứ đó giá hợp lý thì với tiền lương tối thiểu là 32-35 triệu đồng cho công nhân hoặc sinh viên mới ra trường của người Bỉ sẽ thế nào.

Tuy nhiên, tôi không quá mơ mộng đến mức mong một ngày tiền lương của ta sẽ cao như các nước châu Âu. Tôi chỉ mong sao những thực phẩm được mua ở các chợ và siêu thị là những thực phẩm an toàn.

Ở ta, tham gia vào “kiến thiết” mâm cơm của người dân là sự có mặt của bốn bộ và bộ nào cũng khẳng định rằng mình đã làm hết trách nhiệm nhưng ngộ độc, nhiễm độc vẫn cứ xảy ra. Ở Bỉ thì sao? Bảo hiểm y tế nước này chi trả gần như toàn bộ chi phí cho mỗi ca ngộ độc hoặc tổn hại sức khỏe do ăn uống. Vì thế để giữ gìn sức khỏe người dân cũng như để không lãng phí tiền của, chính phủ Bỉ siết chặt các đầu ra là cửa hàng, siêu thị. Các cửa hàng, siêu thị sẽ bị phạt nặng, thậm chí đóng cửa nếu cung cấp hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng và không có kiểm định chặt chẽ.

Một tuần làm bà nội chợ kiểu Bỉ, tôi đã được trải nghiệm cảm giác vô cùng thoải mái khi đi chợ, không phải là cảm giác hoang mang đứng giữa chợ mà không biết nên mua gì cho an toàn. Tôi đã được ăn thỏa thích các loại hoa quả, rau tươi, rau sống, thịt gà, thịt bò…

Trong cái rủi có cái may, đây không phải chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi nhưng lại là lần thất lạc vali đầu tiên. Nhờ thế mà tôi có những trải nghiệm bất ngờ. Ai đó muốn thực sự khám phá một đất nước, thì đây là lời khuyên chân thành của tôi: hãy tự mình đi chợ, đi siêu thị, bạn sẽ thấy được sự văn minh, mức sống của người dân xứ sở đó.

Còn bây giờ, ngay lúc này, có ai hỏi điều ước của tôi- một bà nội trợ Việt đang ngồi trên chín tầng mây- tôi sẽ trả lời không đắn đo: Được sống trọn vẹn trong hai chữ: sạch và an toàn.

Nguồn: VOV

 

Bài liên quan