Đến nay, chỉ có 9 quốc gia ở châu Âu cho phép lao động phổ thông Việt Nam làm việc hợp pháp. Còn Vương quốc Anh không cấp giấy phép lao động cho lao động phổ thông của Việt Nam.
Đây là thông tin Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết chiều nay, 29.10.
Lao động phổ thông Việt Nam được cấp phép làm việc tại 9 quốc gia ở châu Âu
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện nay các thị trường lao động nước ngoài phổ biến là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Trong đó, Nhật Bản với số lượng dẫn đầu chiếm hơn 50% thị phần xuất khẩu lao động của Việt Nam năm 2018, còn lại là Đài Loan, Hàn Quốc và các thị trường khác ở Trung Đông, châu Âu.
Người lao động đi làm việc ở các nước ngoài, trong đó có các nước châu Âu phải tuân thủ quy định của luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Người lao động đi làm việc tại các nước châu Âu có thể thông qua các doanh nghiệp đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định và chấp thuận cho phép thực hiện hợp đồng cung ứng lao động.
Với hình thức này, đối với thị trường châu Âu, hiện nay Cục thẩm định và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của 9 thị trường: Ba Lan, Lit-va, Hungary, Bungaria, CH Sip, Thổ Nhĩ Kỳ, Slovakia, Belarusia, Bồ Đào Nha.
Tại các quốc gia này, lao động Việt Nam làm việc chủ yếu trong các ngành nghề: nông nghiệp, chế biến thực phẩm, may mặc, xây dựng, hàn mộc… Hợp đồng lao động ký kết từ 2-3 năm, với mức lương cơ bản từ 300-630 USD.
Chi phí môi giới từ 1.700-2.000 USD (tương đương 40 – 46 triệu đồng) đối với lao động ngành nông nghiệp; chế biến thực phẩm 3.000 USD (70 triệu đồng); ngành xây dựng, sản xuất điện tử 4.000 USD (93 triệu đồng); ngành may mặc 1.000 – 1.300 USD (23 – 30 triệu đồng).
Ngoài ra, người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng hình thức hợp đồng cá nhân thì người lao động phải đăng ký hợp đồng cá nhân với Sở LĐ-TB-XH các địa phương và đã được Sở LĐ-TB-XH các địa phương thẩm định và chấp thuận.
Với hình thức đi làm việc ở nước ngoài bằng hợp đồng cá nhân, người lao động tự ký kết hợp đồng lao động với chủ sử dụng ở nước ngoài, trong trường hợp này, yêu cầu người lao động phải có các điều kiện sau như: có trình độ ngoại ngữ đủ để đàm phán hợp đồng với chủ sử dụng nước ngoài (thường là thành thạo tiếng Anh hoặc tiếng bản địa); có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng lao động (thường là các ngành nghề kỹ thuật bậc cao theo chuẩn nghề quốc tế hoặc kỹ sư); người lao động tự chịu trách nhiệm với nội dung hợp đồng đã ký với chủ sử dụng lao động đảm bảo đúng với pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận.
“Người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng cả hai hình thức trên đều cần phải hợp đồng lao động, có visa và Giấy phép lao động hợp pháp do Chính quyền nước tiếp nhận cấp (đảm bảo làm các công việc hợp pháp mà nước tiếp nhận có nhu cầu và cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài)”, ông Nguyễn Gia Liêm nhấn mạnh.
Di cư bất hợp pháp không lường hết được những rủi ro có thể xảy ra
Liên quan đến vụ việc đau lòng 39 người chết trong conteiner tại Anh, đại diện Cục Quản lao động ngoài nước cho biết, Vương quốc Anh không cấp giấy phép lao động cho lao động phổ thông của Việt Nam. Những người lao động Việt Nam đi theo kênh tự do có thể vì không có các điều kiện tiêu chuẩn về nghề nghiệp và ngoại ngữ, không phải học; không đợi mức lương cao hơn quy định; không lường trước được những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình di cư bất hợp pháp; nhận được những thông tin sai sự thật, khác xa với thực tế.
Ông Liêm bày tỏ:
“Việc công dân Việt Nam ra nước ngoài theo các kênh không chính thống, sau đó ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro, trước hết là nguy cơ không tìm được việc làm, trở thành người cư trú bất hợp pháp, bị bắt giam, phạt tiền và bị trục xuất nếu bị phát hiện. Do không có đầy đủ thông tin về người sử dụng lao động, điều kiện làm việc, sinh hoạt, thiếu hiểu biết về văn hóa, tập quán của nước đến, không được trang bị kỹ năng làm việc, rèn luyện về tay nghề và ngoại ngữ, nên những công dân này rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động nhưng lại không được luật pháp nước sở tại thừa nhận và bảo vệ”.
Để hạn chế tình trạng này, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã khuyến cáo các địa phương về tình hình và đề nghị các địa phương cảnh báo cho công dân các rủi ro của việc nước ngoài bằng visa du lịch rồi ở lại làm việc bất hợp pháp; đồng thời, đề nghị các Sở LĐ-TB-XH kiểm tra, rà soát, tình hình đi làm việc ở nước ngoài của dân tại địa phương nhằm phát hiện các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng lại đang môi giới, tuyển chọn, tổ chức đưa người đi trái phép để chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.
Đối với những lao động muốn sang làm việc ở châu Âu, ông Liêm khuyến cáo, làm việc ở nước ngoài bằng con đường hợp pháp mới an toàn. Di cư lao động hợp pháp là phải ký hợp đồng lao động với chủ dụng lao động; phải đăng ký đi làm việc ở nước ngoài với cơ quan quản lý lao động ở Việt Nam; phải được chính quyền nước tiếp nhận cấp visa và giấy phép lao động hợp pháp.
Người lao động đang làm việc ở nước ngoài nếu cần sự giúp đỡ thì cần liên hệ với Cơ quan đại diện (Đại sứ quán/Ban Quản lý lao động) Việt Nam ở nước sở tại; Cục Lãnh sự – Bộ ngoại giao (đường dây nóng bảo hộ công dân), và Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH).
Những ngành nghề cấm lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài
Nhằm đảo bảo nhằm đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp và sức khỏe, nhân phẩm người lao động, Việt Nam cũng đã đưa ra danh mục nghề và công việc cấm đi làm việc ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam như :
– Nghề vũ công, ca sĩ, massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí.
– Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), tiếp xúc thường xuyên với mangan, điôxit thủy ngân.
– Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại.
– Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, disunfua cacbon, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh.
– Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập.
– Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương).
– Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.
– Công việc mà nước tiếp nhận lao động và Việt Nam cấm.
Theo Thanhnien