Quốc hội Anh mới đây đã đề nghị Facebook cung cấp các thông tin về khả năng Nga can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 về Brexit (đưa nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu), cũng như can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội Anh trước thời hạn năm 2017.
Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Nga Putin Thông tin trên do hãng tin Reuters đưa ra. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Công nghệ số, Văn hóa, Media và Thể thao thuộc Quốc hội Anh Damian Collins đã chính thức gửi đề nghị đến nhà sáng lập Facebook là Mark Zuckerberg lời đề nghị trên.
Lời đề nghị này được coi là một phần chiến dịch điều tra về các thông tin giả mạo do ông Collins phụ trách. “Một phần của chiến dịch này sẽ tập trung vào vai trò của các nhà hoạt động nước ngoài trong việc lạm dụng các nền tảng, ví dụ như nền tảng facebook, để can thiệp vào các tiến trình chính trị của các nước khác”- ông Collins giải thích. Được biết, bức thư của ông Collins gửi nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã được lan truyền trên các phương tiện truyền thông.
Ngoài ra, vị chủ tịch này cũng đề nghị ông Mark Zuckerberg cung cấp tất cả các bảng quảng cáo được mua bởi các tài khoản có liên quan đến Nga, cùng tất cả các thông tin về đích ngắm của các bài quảng cáo này, cũng như số lượng đã xem quảng cáo.
“Tôi cho rằng các thông tin Facebook được đề nghị cung cấp cũng tương tự như các thông tin Facebook đã gửi cho các ủy ban của Thượng viện Mỹ, trong đó có Ủy ban Tình báo, vì những sự vụ liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016”- ông Collins cho biết.
Được biết, từ tháng 1/2017, Quốc hội Anh đã bắt đầu tiến hành các cuộc điều tra về việc lan truyền các thông tin giả mạo. Tuy nhiên, quá trình này đã bị ngừng lại do cuộc bầu cử Quốc hội Anh trước thời hạn được ấn định tổ chức trong tháng 6/2017 vừa qua.
Hiện việc cung cấp bằng chứng trong khuôn khổ quá trình điều tra này sẽ được thực hiện đến trước ngày 7/11. Việc điều tra này được tiến hành nhằm “đưa ra ánh sáng” các vấn đề như: các thông tin giả mạo đã ảnh hưởng như thế nào đến sự hiểu biết của xã hội và sự tiếp nhận của báo chí truyền thống; trách nhiệm của các mạng xã hội và khả năng hướng dẫn công chúng cách phân tích các nguồn thông tin.
Hôm thứ Năm tuần trước (20/10), nghị sỹ Quốc hội Anh thuộc Công đảng Ben Bradshaw đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Anh tiến hành điều tra các nghi ngờ về việc dường như Nga đã can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Anh. Trong bài phát biểu của mình trước Quốc hội Anh, ông Ben Bradshaw nhấn mạnh rằng hiện đang có “sự quan ngại sâu rộng do sự can thiệp từ nước ngoài, đặc biệt là từ Nga, vào các tiến trình dân chủ ở các nước phương Tây”.
Ông Ben Bradshaw cũng lên tiếng yêu cầu Chính phủ Anh cung cấp các đảm bảo về việc “tất cả các nguồn tiền chi cho chiến dịch vận động cho trưng cầu dân ý được cấp từ các nguồn hợp pháp”.
Thư ký báo chí Tổng thống Nga Peskov và Tổng thống Nga Putin Trong khi đó, Điện Kremlin lên tiếng bác bỏ khả năng Nga hỗ trợ tài chính cho trưng cầu dân ý về Brexit. “Các bạn muốn tôi bình luận về cái không tồn tại ư?”- Thư ký Báo chí Tổng thống Nga Dmitri Peskov trả lời đề nghị của phóng viên tờ NYT đưa ra bình luận về yêu cầu trên của ông Ben Bradshaw.
Hồi tháng 12/2016, khi phát biểu trước Quốc hội Anh, ông Ben Bradshaw cũng đã cho rằng Nga can thiệp vào quá trình Brexit ở Anh. “Tôi không có bằng chứng chứng minh nhưng tôi nghĩ rằng đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra”- ông Ban Bradshaw nói. Tuy nhiên, tuyên bố này của ông Ben Bradshaw bị chính đối thủ cười nhạo. Một nghị sỹ đảng Bảo thủ cho rằng tuyên bố kiểu này của ông Ben Bradshaw đang gợi nhớ đến thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Về phần Facebook, hồi tháng 9/2017, mạng xã hội này đã cho biết các tài khoản có liên quan đến Nga trong vòng 2 năm qua đã chi gần 100 nghìn USD để mua các quảng cáo mang tính chất chính trị trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Đến đầu tháng 10/2017, Facebook cung cấp thêm thông tin rằng các bảng quảng cáo chính trị do Nga đăng tải đã được khoảng 10 triệu người dùng Facebook ở Mỹ xem và các bảng quảng cáo này cũng được đăng trên Instagram.
Cuộc trưng cầu dân ý về đưa Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đã được tổ chức với việc có 51,9% cử tri ủng hộ phương án Brexit và 48,1% phản đối. Sau đó cựu Thủ tướng Anh David Cameron đã từ chức và bà Theresa May lên thay thế. Tháng 3/2017, Anh chính thức tuyên bố khởi động quá trình Brexit.
Đức Dũng
Nguồn: Infonet