UAV trinh sát Ukraine may mắn tránh được tên lửa phóng tới từ tổ hợp Tor-M2 của Nga, ngay sau đó nó đã gửi tọa độ mục tiêu để pháo phản lực HIMARS tập kích phá hủy hệ thống phòng không này.
Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 12/7 đăng video cho thấy máy bay không người lái (UAV) trinh sát của Trung đoàn 14 theo dõi một tổ hợp phòng không Tor-M2 được Nga triển khai ở khu vực trống trải.
Phát hiện UAV trinh sát của Ukraine, hệ thống Tor-M2 liền khai hỏa tên lửa để đánh chặn.
Tuy nhiên rất may cho UAV Ukraine là quả đạn của hệ thống Tor-M2 đã đánh trượt, ngay lập tức tọa độ Tor của Nga đã được gửi về và pháo HIMARS sau đó đã tập kích phá hủy mục tiêu.
"Tổ hợp Tor của Nga cố bắn hạ UAV của chúng tôi, song thất bại và bị pháo HIMARS phá hủy", Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết. Hiện Nga chưa lên tiếng về thông tin này.
Tor-M2 là tổ hợp phòng không tầm ngắn được giới thiệu năm 2007 sau đó Nga tiếp tục nâng cấp lên chuẩn Tor-M2U.
Đạn tên lửa của hệ thống này có khả năng phá hủy hầu như mọi mục tiêu bao gồm tên lửa hành trình, tên lửa có điều khiển, các loại máy bay, bom thông minh, vũ khí chính xác cao ở độ cao thấp - trung.
Hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2U bao gồm nhiều thành phần: xe chiến đấu 9A331; xe tiếp đạn 9T244; xe cẩu 9T245; xe bảo trì 9V887; xe tải 9F399 và một số thành phần khác.
Các chuyên gia Almaz-Antey nhận định, khả năng phóng tên lửa của Tor-M2U là bước tiến mang tính bước ngoặt trong chiến thuật phòng không tầm thấp.
Nhờ khả năng mới, Tor-M2U có khả năng tạo ô phòng không lục quân, bảo vệ các phương tiện di chuyển trên mặt đất trước các đòn tấn công của đối phương.
Khả năng tác chiến cực mạnh kết hợp với tính năng “vừa đi vừa bắn” khiến tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2U trở thành sát thủ tầm thấp và tầm trung đối với bất cứ loại mục tiêu bay nào.
Phiên bản mới nhất hiện nay có thể tiêu diệt cùng lúc 16 mục tiêu ở vận tốc 700 m/s, trong khoảng cách 12km và tầm cao 10 km.
Các vật thể bay Tor-M2U thường đánh chặn bao gồm máy bay chiến đấu, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa và bom dẫn đường.
Phiên bản nâng cấp của đạn tên lửa 9M330 được đánh giá có tỷ lệ chính xác tới 97%.
Phía nhà sản xuất tự tin tuyên bố tên lửa đạt tốc độ bay tới 1000 m/giây, tương đương gấp 3 lần tốc độ âm thanh.
Một điểm đặc biệt nữa của Tor-M2U là khả năng phóng tên lửa khi hành tiến với vận tốc 40 km/giờ. Đây là yếu tố quan trọng nâng cao khả năng sống sót của tổ hợp trong điều kiện tác chiến cơ động.
Phiên bản Tor-M2U cũng nổi tiếng ở thời gian triển khai và thu hồi ngắn (khoảng 3 phút). Hiện tại, không có tổ hợp vũ khí phòng không nào trên thế giới có thể làm được điều này.
Như bất kỳ loại vũ khí nào cũng cần được hoàn thiện và khẳng định qua thực chiến, Tor-M2U cũng được “thử lửa” và hoàn thiện ở chiến trường Syria.
Tại quốc gia Cận Đông này, Tor-M2U được hoạt động trong hệ thống phòng không hợp nhất, kết hợp với các tổ hợp S-400, S-300V4 và Pantsir-S1.
Theo Tư lệnh Không quân-vũ trụ Nga, Thượng tướng Aleksandr Leonov, riêng trong năm 2020, các tổ hợp Tor-M2U tại Syria đã bắn hạ ít nhất 40 UAV của phiến quân tại Syria.
Chính nhờ kết quả thử nghiệm ở Syria, Quân đội Nga đang phát triển biến thể hải quân của Tor-M2U.
Tại chiến trường Đông Âu, Nga cũng triển khai nhiều tổ hợp Tor-M2 và Tor-M2U để đối phó với lực lượng vũ trang Ukraine.
Tuy lập không ít chiến công, nhưng với một nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển như Ukraine, lại được hỗ trợ từ vũ khí phương Tây, đã có một số trường hợp tổ hợp phòng không Nga đã bị đánh bại.
Thường tổ hợp phòng không Nga bị tập kích bởi pháo HIMARS và drone của phía Ukraine.
Đánh giá về tổ hợp Tor-M2U, Tư lệnh Lục quân Nga, Đại tướng Oleg Salyukov khẳng định, đây là dòng vũ khí phòng không có hiệu quả nhất so với các vũ khí khác để đối phó với UAV trong tác chiến.
Để đối phó với chiến lược bầy đàn UAV trong tương lai, tổ hợp tên lửa này đang tiếp tục được nâng cấp và phát triển.
Phía nhà phát triển cho biết, đơn vị đang nghiên cứu hai phương pháp đối phó với chiến thuật sử dụng UAV bầy đàn.
Ở phương án đầu tiên, tổ hợp nâng cấp Tor-E2 với hệ thống điện tử mới đã được hoàn thiện vào cuối năm 2020.
Phương án thứ 2 là phát triển thế hệ đạn tên lửa đánh chặn tầm ngắn mới. Chúng sẽ nhỏ và rẻ hơn để mỗi xe phóng có thể mang được nhiều đạn tên lửa hơn và đối phó hiệu quả hơn với chiến lược sử dụng UAV mới.
Nguồn: Báo An Ninh Thủ Đô