Bí ẩn hàng nghìn cổ vật “không cánh mà bay”

Số lượng hiện vật trị giá hàng triệu USD đã biến mất một cách đầy bí ẩn ngay tại những bảo tàng hàng đầu nước Anh.

426 Content Bi An Hang Nghin Co Vat Dot Nhien Bien Mat
Bên trong Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tại London

Trong những năm qua, hơn 6,000 hiện vật có tổng trị giá lên tới 1.3 triệu USD được cho là đã thất lạc hoặc bị đánh cắp từ một số bảo tàng hàng đầu nước Anh, như Bảo tàng Anh, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên…

Theo hãng tin Sputnik, kể từ năm 2010, tổng cộng 947 hiện vật đã bị báo là thất lạc. Trong đó, giá trị các hiện vật được chính thức kết luận là bị đánh cắp vào khoảng 106,000 USD. Số phận những hiện vật còn lại vẫn đang trong vòng bí ẩn.

Đại diện nhóm các bảo tàng khoa học của Anh, bao gồm Bảo tàng Khoa học tại London, Bảo tàng xe lửa quốc gia tại York và Bảo tàng Khoa học và Công nghiệp tại Manchester cho biết trên kênh Sky News, họ có 5,315 hiện vật “không rõ tung tích” – có thể đã bị đánh cắp hoặc đang được cất giữ ở một địa điểm nào đó.

“Bất kỳ hiện vật nào mà chúng tôi không tìm thấy đều được ghi lại trong hồ sơ của các bảo tàng”, Phó Giám đốc Bảo tàng Khoa học, Jonathan Newby, nói.

Một vấn đề dẫn đến tình trạng thất thoát hiện vật đó là các bảo tàng không có đủ diện tích cho việc trưng bày cũng như lưu giữ tất cả các hiện vật của mình. Chỉ 5% trong tổng số 400,000 hiện vật của Bảo tàng Khoa học hiện đang được trưng bày, phần còn lại hiện đang nằm trong kho. Trong số các hiện vật bị “mất tích” của bảo tàng này có cả một chiếc máy giặt đời cũ và một lọ chứa bột hương thời xưa…

Một mảnh đá thạch anh quý hiếm từ Bảo tàng Quốc gia Scotland cùng một chiếc cà vạt từ Bảo tàng Nội chiến Anh quốc, đều nằm trong danh sách không rõ tung tích. Vụ thất lạc hiện vật gây choáng nhất có lẽ là một chiếc nhẫn Cartier trị giá lên tới 996,000 USD của Bảo tàng Anh từ năm 2011. Điều nực cười là, vụ việc này lại mới chỉ được chính thức báo cáo hồi đầu năm nay.

Tuy nhiên, ngay cả khi danh sách thất lạc hiện vật ngày một kéo dài, các bảo tàng tại Anh dường như vẫn đặt trọn niềm tin vào hệ thống an ninh của mình.

“Tôi kết nối các bảo tàng với những chuyên gia an ninh từ khắp nơi trên thế giới. Các hệ thống của chúng tôi khiến nhiều người ghen tị”, William Brown, người đứng đầu bộ phận An ninh quốc gia của Hội đồng nghệ thuật Anh cho biết.

Theo chuyên gia tìm kiếm nghệ thuật chuyên nghiệp Christopher Marinello, việc biết được tung tích các hiện vật là một bổn phận đối với công chúng Anh – những người đã trả thuế để các bảo tàng được tồn tại. “Nếu có tình trạng thất lạc, họ cần phải báo với cảnh sát ngay lập tức để chúng tôi có thể đưa hiện vật đó vào trong hệ thống dữ liệu của mình và cố gắng tìm kiếm nó sớm nhất có thể”, Marinello nói.

Theo Toquoc/Sputnik

Bài liên quan