Rối loạn chính trị: sa thải Ngoại trưởng hay Thủ tướng từ chức

Theo một số nguồn tin, bà Theresa May đang phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn: sa thải Ngoại trưởng Boris Johnson hoặc tự mình từ chức.

426 Content Roi Loan Chinh Tri Sa Thai Ngoai Truong Hay Thu Tuong Tu Chuc
Bà May đứng trước sự lựa chọn khó khăn?

Trước thềm Đại hội Đảng bảo thủ Anh (diễn ra từ ngày 1-4/10 tại Manchester), Thủ tướng Theresa May đối mặt với hàng loạt câu hỏi về khả năng Ngoại trưởng Anh Boris Johnson có bị sa thải hay không.

Theo hãng tin Bloomberg, chỉ trong hai tuần qua, ông Johnson đã thách thức chiến lược của bà May về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, ít nhất là hai lần và đều vào trong những thời điểm quan trọng. Đầu tiên là khi bà May đang chuẩn bị nói về những thỏa thuận Brexit trong một bài phát biểu tại Florence, và lần thứ hai là ngay trước khi diễn ra Hội nghị quan trọng thường niên của Đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, hôm Chủ nhật (02/10), Thủ tướng Anh lại chỉ có thể cười và lảng tránh trước thắc mắc của giới phóng viên rằng, có phải ông Johnson là người “không thể động đến”.

Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 mở đầu cho sự ra đi của Anh khỏi EU, giới đầu tư ngày càng để ý nhiều hơn đến những bất ổn trên chính trường nước Anh. “Thừa hưởng” di sản Brexit, nhưng bà May dường như đã không có được tiếng nói đủ trọng lượng, trong khi lại bị kẹp giữa những chính trị gia cứng rắn ở quê nhà và đội ngũ tham gia quá trình thương lượng tại Brussels. Nhiệm vụ của bà lại càng trở nên khó khăn hơn sau khi lời kêu gọi bầu cử sớm hồi tháng Sáu dẫn đến tình trạng “chính phủ treo” tại Anh.

Mục tiêu đặt ra cho Thủ tướng Anh trong tuần này tại Machester là chứng tỏ rằng, bà vẫn đang nắm quyền kiểm soát. Jane Foley, người đứng đầu bộ phận chiến lược tiền tệ tại Rabobank nhận định, hội nghị thường niên “sẽ chờ xem nếu bà May có khả năng để lãnh đạo chính đảng phía sau bà.” Tuy nhiên, “ngay bây giờ các tín hiệu tỏ ra không lạc quan lắm”, Foley nói, đồng thời dự báo, bất kỳ thách thức nào đối với sự lãnh đạo của bà May diễn ra trong hội nghị này, sẽ khiến đồng bảng Anh sụt giá.

Tờ Times of London dẫn lời một số Bộ trưởng giấu tên cho biết, bà May sẽ sa thải Ngoại trưởng Johnson hoặc là đưa ra quyết định từ chức. Theo Mujtaba Rahman, Giám đốc quản lý châu Âu của Eurasia Group nói: “nhiều người trong Đảng tin rằng, ông ấy [Boris Johnson], cố tình tìm cớ cho bà May sa thải mình, để có thể trở thành ‘một người hy sinh vì Brexit’”.

Cựu Thị trưởng London, Johnson cũng có không ít người ủng hộ. Trong một sự kiện bên lề Đại hội Đảng Bảo thủ, Nghị sỹ Jacob Rees-Mogg – một người có đường lối cứng rắn – tuyên bố, nước Anh đơn giản nên từ chối việc thành lập các cửa khẩu giữa Bắc Ai-len và Cộng hòa Ai-len sau Brexit. Những chính trị gia cùng Đảng với ông không có vấn đề gì khi chứng kiến Ngoại trưởng Johnson đối lập với Thủ tướng May, cũng như đưa ra các “giới hạn đỏ” cho quá trình thương lượng.

Rahman cũng phân tích, cho dù không bị sa thải, ông Johnson “vẫn sẽ từ chức, đặc biệt với những tính toán rằng, khả năng kế nhiệm bà May sẽ gia tăng nếu ông có thể hoàn toàn thoát khỏi mớ bòng bong EU.”

Những động thái của ông Johnson cho thấy, bà May đang ngày càng trở nên dễ bị “tổn thương” sau canh bạc bầu cử sớm. Đảng Bảo thủ mất đi quyền kiểm soát trong Quốc hội ngay trước khi các đại diện của nước Anh phải đối mặt với phái đoàn của Liên minh châu Âu do Michel Barnier dẫn đầu, trong tiến trình thương lượng Brexit.

426 Content Roi Loan Chinh Tri Sa Thai Ngoai Truong Hay Thu Tuong Tu Chuc 1
Ngoại trưởng Boris Johnson


Không muốn người đứng đầu chính phủ Anh lại thay đổi

Vị thế của bà May có thể đang dần ổn định lại trong những tháng gần đây. Bà cũng đã tuyên bố sẽ tham gia tranh cử lần nữa. Tuy nhiên, kết quả một số cuộc thăm dò cho thấy, bà không nhận được nhiều sự ủng hộ, ngay cả từ các nhà lập pháp và thành viên Đảng Bảo thủ.

Theo Bloomberg, một trong những lý do mà bà May vẫn còn đang đương nhiệm là bởi vì chính giới Anh không quá mặn mà với viễn cảnh thay đổi người đứng đầu Chính phủ. Graham Brady, một nghị sỹ của Đảng Bảo thủ, khi được hỏi về ông Johnson trong một cuộc phỏng vấn đã cho biết, bản thân mình và các đồng nghiệp không có nhu cầu “cho một cuộc tranh cãi về tương lai lãnh đạo” của Đảng này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Johnson “biện bạch”, những lời cáo buộc ông đang phá hoại ngầm bà May là hoàn toàn sai lệch, và ông chỉ đơn giản là đang đại diện cho những cử tri đã bỏ phiếu cho Brexit. Tuy nhiên, chính lời phát biểu này của Johnson “vô tình hay cố ý” đã khiến ông trở thành người giữ lửa cho Brexit. Đây cũng có thể là một ưu thế không thể coi thường cho cuộc chạy đua đến chiếc ghế Thủ tướng Anh.

Năm nay 53 tuổi, Ngoại trưởng Johnson – hay “Boris” như cách hầu hết người dân Anh gọi ông – sở hữu một bản năng chính trị được đánh giá rất cao. Ông cũng là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất đại diện cho phong trào kêu gọi Anh rời khỏi EU năm ngoái.

Theo Toquoc/Bloomberg/Hatnews

Bài liên quan