Các nước châu Âu sắp công bố kế hoạch trị giá 4,3 tỷ USD để chế tạo lá chắn phòng không chung giống Vòm Sắt của Israel.
21 nước thành viên Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu (ESSI) trong những ngày tới sẽ đệ trình đề xuất lập hệ thống phòng không chung lên Hội đồng Châu Âu, cơ quan ra quyết định chính của Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết.
ESSI được thành lập vào tháng 10/2022 và do Đức dẫn đầu, nhằm chế tạo một hệ thống phòng thủ tên lửa chung của châu Âu giống lá chắn Vòm Sắt của Israel, thông qua việc các nước trong khu vực cùng nhau mua thiết bị phòng không và tên lửa.
"Xây dựng một 'vòm sắt' để chống tên lửa và máy bay không người lái (UAV) là điều cần thiết. Các cuộc tấn công gần đây vào Israel đã chứng minh tầm quan trọng của các hệ thống như vậy. Không có lý do gì châu Âu lại không có lá chắn phòng thủ tên lửa của riêng mình", Thủ tướng Ba Lan nhấn mạnh.
Vòm Sắt khai hỏa tên lửa đánh chặn hồi năm 2011. Ảnh: Wikimedia
Theo ông Tusk, không cần phải tưởng tượng quá nhiều để dự đoán châu Âu có thể bị tấn công từ đâu, dường như ám chỉ Nga. ESSI ra đời không lâu sau khi Nga bắt đầu tiến hành các cuộc tập kích tầm xa nhằm vào hạ tầng năng lượng nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine.
Dù khả năng Moskva tấn công trực tiếp các nước NATO ở châu Âu là điều khó xảy ra trong tương lai gần, nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước giáp biên giới với Nga, đang tăng cường cảnh giác trước kịch bản như vậy. Một số nước đang gia tăng chi tiêu quốc phòng ở mức "khó có thể tưởng tượng" so với thời điểm trước khi bùng phát xung đột ở Ukraine, theo Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte.
Lá chắn Vòm Sắt của Israel từ lâu đã được coi là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới, giúp bảo vệ bầu trời nước này khỏi các mối đe dọa tầm ngắn như rocket và đạn cối.
Một tổ hợp Vòm Sắt gồm có 3-4 bệ phóng, mỗi bệ gồm 20 tên lửa đánh chặn Tamir được trang bị đầu dò radar chủ động và đường truyền dữ liệu hai chiều để hiệu chỉnh đường bay sau khi phóng. Phần lớn hoạt động của Vòm Sắt được tự động hóa để rút ngắn thời gian phản ứng và giảm yêu cầu về nhân lực vận hành.
Trong cuộc tập kích của Iran vào lãnh thổ Israel hồi tháng 4, Vòm Sắt cùng các lá chắn phòng không khác trong mạng lưới phòng thủ đa tầng của Tel Aviv và các nước đối tác đã bắn hạ 99% quả đạn do Tehran khai hỏa, bao gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và UAV.
Báo cáo của Viện An ninh và Quốc tế Đức (SWP) năm ngoái liệt kê các thiết bị Berlin muốn mua hoặc bổ sung trong khuôn khổ ESSI, bao gồm tổ hợp Patriot do Mỹ sản xuất, hệ thống phòng không tầm ngắn - trung IRIS-T SLM có khả năng chống UAV, phi cơ và tên lửa hành trình, cùng tổ hợp Arrow đang được sử dụng ở Israel.
Phạm Giang (Theo Business Insider, Kyiv Post, RT)
Nguồn: VNEXPRESS.NET