Hai sai lầm của một số nước trong quá khứ đã khiến người dân Campuchia phải thống khổ, theo ông Hun Sen, và họ đừng nên phạm sai lầm thứ ba ở đất nước này.
Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen - Ảnh: AFP
Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen, người từng sống dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, đã có bài phát biểu mang tính đúc kết lịch sử tại một hội nghị ở Phnom Penh tuần này.
Theo báo Khmer Times ngày 23-5, nhà lãnh đạo Campuchia đã chỉ ra 2 sai lầm của nước ngoài dẫn tới giai đoạn đen tối trong lịch sử đất nước chùa tháp.
"Tôi luôn gặp và nhắc nhở các nhà ngoại giao, các chính trị gia từ nhiều quốc gia khác nhau rằng đừng phạm sai lầm thứ ba, vì họ đã phạm hai sai lầm nghiêm trọng".
Sai lầm đầu tiên là sự hỗ trợ của nước ngoài đối với cuộc đảo chính năm 1970 lật đổ Hoàng thân Norodom Sihanouk, một trong những yếu tố đẩy đất nước Campuchia vào con đường diệt chủng.
Các quốc gia này, theo ông Hun Sen, đã đánh giá trong các tài liệu nội bộ rằng việc công nhận chế độ Lon Nol là một sai lầm, vì đây không phải là kết quả của một tiến trình dân chủ như kỳ vọng. Tuy nhiên, các nước này chưa bao giờ thực sự thừa nhận rằng họ đã mắc sai lầm nghiêm trọng với Campuchia.
Sai lầm thứ hai, theo ông Hun Sen, chính là sự ủng hộ của nước ngoài đối với Khmer Đỏ tại Liên Hiệp Quốc và việc áp đặt các biện pháp trừng phạt ngoại giao đối với chính phủ hợp pháp của Campuchia, khiến đất nước càng thêm đau khổ.
Trong đó, những nước này để Khmer Đỏ giữ ghế của Campuchia tại Liên Hiệp Quốc trong 12 năm và trừng phạt những người có ý định chống lại chế độ Pol Pot.
"Xin đừng phạm sai lầm thứ ba ở Campuchia. Các vị đã phạm sai lầm hai lần rồi" - ông Hun Sen nói nhưng không nêu tên quốc gia nào, dựa trên tường thuật của báo Khmer Times.
Trong một bản tin trước đó, tờ báo của Campuchia cũng cho biết Chủ tịch Thượng viện Hun Sen đã yêu cầu có luật trừng phạt những người phủ nhận hoặc ủng hộ chế độ diệt chủng.
Năm nay, Campuchia đánh dấu 45 năm Ngày lật đổ Khmer Đỏ (1979 - 2024). Trong hơn 3 năm cầm quyền kể từ năm 1975, chế độ diệt chủng do Pol Pot - Ieng Sary đứng đầu đã giết hại hơn 3 triệu người dân vô tội.
Trong bộ phim tài liệu lịch sử với tựa đề "Hành trình cứu nước", ông Hun Sen từng chia sẻ khi ấy ông và nhiều người Campuchia yêu nước xem Việt Nam là nơi duy nhất có thể dang tay giúp đỡ. Bởi Việt Nam là nước láng giềng từng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh với Campuchia trong các cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập.
Với tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng và giúp bạn cũng là giúp mình sau khi nhận được lời đề nghị từ Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, hàng vạn chiến sĩ, sĩ quan Quân tình nguyện Việt Nam đã lên đường sang nước bạn.
Sự hỗ trợ quan trọng này đã giúp Campuchia đánh bại Khmer Đỏ vào ngày 7-1-1979, đưa đất nước này thoát khỏi nạn diệt chủng.
Theo đề nghị của Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục ở lại cùng lực lượng vũ trang Campuchia sau ngày 7-1-1979 để truy quét tàn quân Pol Pot, củng cố chính quyền cách mạng và giúp bạn hồi sinh đất nước từ đống tro tàn.
Đến cuối tháng 9-1989, theo thỏa thuận giữa hai bên, Việt Nam rút hết quân tình nguyện về nước, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả.
DUY LINH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online