Do chưa thông thạo các quy định giao thông, biển báo tại các nước bản địa, người nước ngoài đi du lịch, công tác…
rất dễ vi phạm luật giao thông. Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông cũng như không bỏ lọt người vi phạm, châu Âu là khu vực điển hình có thỏa thuận hợp tác về xử phạt giao thông xuyên biên giới.
Áp dụng toàn khu vực từ năm 2017
Một số nước trong khu vực lục địa già bắt đầu áp dụng quy định thực thi pháp luật xuyên biên giới sau khi Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) thông qua từ ngày 2/3/2015, đến nay đã được mở rộng, áp dụng trên toàn khu vực từ năm 2017.
Sở dĩ khu vực này có thể áp dụng quy định theo dõi vi phạm giao thông xuyên biên giới vì các nước châu Âu trước đó đã cùng chia sẻ thông tin về các vi phạm giao thông từ năm 2011, trong đó lấy sự hợp tác của cảnh sát là cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, ban đầu, 3 nước Anh, Ireland và Đan Mạch có quan điểm đặc biệt về vấn đề này nên họ không tham gia.
Sau đó, đến tháng 5/2014, Tòa án Tư pháp châu Âu ra phán quyết rằng, các nước nên lấy giao thông làm cơ sở pháp lý. Do đó, hiện nay, không còn rào cản nào trong việc thực hiện các quy định mới với các nước trên toàn châu lục. Một khi đã vi phạm luật giao thông và bị phát hiện, người vi phạm giao thông tại các nước trong khu vực không thể thoát “lưới” luật pháp dù di chuyển đến các nước khác.
Tại thời điểm châu Âu đạt được thỏa thuận, Nghị sĩ châu Âu (đại diện Pháp) Dominique Riquet, Phó chủ tịch Ủy ban Giao thông thuộc Quốc hội châu Âu nhận định: “Những vi phạm xuyên biên giới là vấn đề vô cùng nghiêm trọng tại tất cả các nước EU. Riêng tại Pháp, 21% phương tiện vượt đèn đỏ, quá tốc độ là do các xe có biển số đăng ký ở nước ngoài điều khiển.
Trong khi đó, nhiều người điều khiển phương tiện nghĩ rằng, họ có thể hết tội khi đi sang nước khác. Sự hợp tác xuyên biên giới sẽ giúp tăng cường mức độ an toàn chung trên đường bộ và cho phép tất cả các đối tượng tham gia giao thông đều bình đẳng như nhau”.
Phối hợp thế nào?
Như vậy, các nước thành viên EU có thể tiếp cận hệ thống dữ liệu đăng ký phương tiện quốc gia của từng nước để theo dõi những người vi phạm giao thông, gây mất an toàn đường bộ. Người vi phạm sẽ được liên lạc qua thư, trong đó nêu cụ thể những cáo buộc vi phạm giao thông.
Đất nước nơi hành vi vi phạm diễn ra sẽ quyết định mức phạt. Người vi phạm có thể phản đối vé phạt nếu chứng minh được họ không lái xe vào thời điểm được nêu ra trong thư. Nếu không thể chứng minh và cũng không nộp phạt, họ sẽ phải chịu thêm nhiều chế tài khác khi quay lại đất nước đó, chẳng hạn như ngừng cấp thị thực, thậm chí là tiến hành bắt giữ.
Việc hợp tác chia sẻ dữ liệu được thực hiện trên 8 vi phạm chính liên quan tới an toàn đường bộ: Tốc độ, không dùng dây an toàn, vượt đèn đỏ, uống rượu bia lái xe, lái xe trong tình trạng bị kích thích vì ma túy, không đội mũ bảo hiểm, đi vào làn đường cấm, sử dụng điện thoại di động khi đang di chuyển hoặc bất cứ thiết bị liên lạc nào khác.
Tại Anh, đất nước đang trong quá trình “ly dị khỏi châu Âu”, Bộ Giao thông Anh khẳng định, “chừng nào Anh còn là thành viên EU, chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ các quy định xuyên biên giới. Khi chúng tôi rời EU, Nghị viện Anh có quyền sửa đổi luật này”.
Nhờ hợp tác, các nước EU có thể tăng cường khả năng thực thi pháp luật, mở rộng “lưới pháp luật” hạn chế bỏ sót vi phạm giao thông của người nước ngoài. Điển hình năm 2016, một năm sau khi gần hết các nước EU “bắt tay” chia sẻ thông tin, xử phạt giao thông xuyên biên giới, Hà Lan đã phát hiện và phạt 975.343 người điều khiển phương tiện nước ngoài vì vi phạm giao thông đường bộ theo Luật Giao thông Hà Lan.
Con số này cao hơn 30% so với lượng vé phạt được gửi ra nước ngoài trong năm 2015 (748.429 trường hợp) – số liệu được trích dẫn từ báo cáo do Cơ quan Thu tiền phạt Trung ương (CJIB) và Bộ Tư pháp và An ninh Hà Lan thực hiện.
Trang Trần/baomoi
London SW6 3JW