Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố rằng để ngăn chặn việc nước này cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm xa trên lãnh thổ, trước tiên Nga phải ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine và rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.
Berlin nêu điều kiện cho Nga để ngăn kịch bản Mỹ triển khai tên lửa tầm xa trên lãnh thổ Đức.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Getty).
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố rằng để ngăn chặn việc nước này cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm xa trên lãnh thổ, trước tiên Nga phải ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine.
"Điều đầu tiên Nga nên làm (để ngăn Đức cho Mỹ triển khai vũ khí tầm xa) là chấm dứt cuộc chiến chống lại Ukraine vaf rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine", ông cho biết.
Ông Scholz cho biết việc triển khai tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Đức sẽ có tác dụng răn đe, đảm bảo rằng Đức không phải đối mặt với một cuộc tấn công tiềm tàng từ đối thủ.
Ông cũng bác bỏ những lo ngại rằng kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa của Mỹ có thể dẫn đến leo thang căng thẳng với Nga.
Thủ tướng Scholz tin rằng Đức "cần lực lượng và khả năng răn đe bên cạnh những gì chúng ta đã có, chẳng hạn như tên lửa hành trình và vũ khí thông thường tầm xa".
Trong tuyên bố chung ngày 10/7, chính phủ Mỹ và Đức tuyên bố Mỹ sẽ bố trí tên lửa tầm xa ở Đức từ năm 2026.
Những loại vũ khí này, bao gồm hệ thống SM-6 và Tomahawk, đã bị cấm ở châu Âu cho đến khi Washington rút khỏi một hiệp ước mang tính bước ngoặt từ thời Chiến tranh Lạnh vào năm 2019.
Nhà Trắng cho biết "vũ khí siêu vượt âm đang phát triển" cũng sẽ được đặt ở Đức và sẽ có "tầm bắn xa hơn đáng kể so với các vũ khí trên đất liền hiện nay ở châu Âu".
Theo tuyên bố chung do Nhà Trắng công bố, Mỹ sẽ "bắt đầu triển khai từng đợt vũ khí hỏa lực tầm xa của lực lượng đặc nhiệm ở Đức vào năm 2026, như một phần trong kế hoạch duy trì hoạt động của các vũ khí này trong tương lai".
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc đàm phán giữa các quan chức Mỹ và Đức tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của NATO ở Washington hôm 10/7.
Ông Scholz ủng hộ kế hoạch, lưu ý rằng quyết định này "hoàn toàn phù hợp với chiến lược an ninh của chính phủ Đức".
Việc triển khai những loại vũ khí như vậy trước đây bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thời Chiến tranh Lạnh, nhưng Washington đã rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt này vào năm 2019.
Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov ngày 11/7 cho biết kế hoạch triển khai vũ khí tầm xa mới của Mỹ ở Đức làm tăng khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang và có thể gây ra sự leo thang không thể kiểm soát.
"Về cơ bản, đây là kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu. Washington đang phạm sai lầm nghiêm trọng. Những bước đi gây bất ổn cao như vậy đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc tế và ổn định chiến lược", nhà ngoại giao Nga cho biết.
"Mỹ đang gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang tên lửa. Ở đây, họ quên rằng việc đi theo con đường đối đầu có thể dẫn đến sự leo thang không thể kiểm soát trong bối cảnh căng thẳng Nga - NATO ngày càng gia tăng nguy hiểm", Đại sứ Antonov nhấn mạnh.
Sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo nước này không loại trừ khả năng triển khai tên lửa hạt nhân để đáp trả việc Mỹ đặt tên lửa tầm xa ở Đức.
Theo UP