Các đại sứ EU nhất trí "trên nguyên tắc" thời điểm khởi động đàm phán tư cách thành viên của Ukraine và Moldova, quá trình có thể mất vài năm.
"Các đại sứ đã đồng ý trên nguyên tắc về khuôn khổ các cuộc đàm phán liên quan việc kết nạp Ukraine và Moldova. Bỉ sẽ tổ chức những hội nghị liên chính phủ đầu tiên vào ngày 25/6", tài khoản mạng xã hội X của chính phủ Bỉ, nước chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) năm 2024, thông báo hôm 14/6.
Các bộ trưởng EU dự kiến thông qua quyết định này trong ngày 21/6. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hoan nghênh thỏa thuận mới đạt được. "Chúng tôi đã giữ lời hứa và sẽ hỗ trợ các bạn trên con đường trở thành thành viên của khối", ông viết trên X, đề cập tới Ukraine và Moldova.
Thỏa thuận đạt được sau khi Ủy ban châu Âu hồi đầu tháng thông báo Ukraine đã đáp ứng các yêu cầu chính để bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập EU, bao gồm hạn chế quyền lực của giới tài phiệt và đảm bảo quyền lợi của các dân tộc thiểu số.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy tại Kiev hôm 9/5. Ảnh: AFP
Ukraine và Moldova nộp đơn xin gia nhập EU không lâu sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022. Giới lãnh đạo của khối tháng 12/2023 nhất trí sẽ mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine và Moldova, song chưa ấn định thời điểm. Nhiều quốc gia EU sau đó kêu gọi liên minh khởi động đối thoại vào ngày 25/6.
Sự phản đối của Hungary, quốc gia thân thiện nhất với Nga tại EU, đe dọa làm chệch hướng quá trình trên, vốn đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả các thành viên của khối. Việc Hungary tiếp quản chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Lập pháp châu Âu vào tháng 7 càng khiến mối lo ngại này gia tăng.
Chính phủ cánh hữu mới thành lập ở Hà Lan cũng có thể góp thêm tiếng nói phản đối tiến trình gia nhập của Ukraine và Moldova.
Thỏa thuận mới đạt được cho thấy Hungary đã ngừng phản đối Ukraine gia nhập EU, nhưng quá trình này dự kiến sẽ mất nhiều năm.
Ngoài Ukraine và Moldova, EU tháng 12/2023 cũng đã trao tư cách ứng viên cho Gruzia và chấp thuận đàm phán về tư cách thành viên của Bosnia, cũng như mở các cuộc đối thoại về vấn đề này với Serbia, Montenegro, Albania và Bắc Macedonia.
Phạm Giang (Theo AFP, Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET