Các nhà lãnh đạo G7 chỉ trích chính sách thương mại của Trung Quốc và những hành vi 'nguy hiểm' của Bắc Kinh ở Biển Đông và yêu cầu ngừng chuyển giao các vật liệu có công dụng kép, bao gồm các thành phần vũ khí và thiết bị, vốn là đầu vào cho ngành quốc phòng Nga.
Lãnh đạo các nước dự hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 14-6 tại Ý - Ảnh: REUTERS
Lo ngại an ninh
Trung Quốc đã trở thành vấn đề tâm điểm tại hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra tại Ý của nhóm G7 (Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Ý) trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và phương Tây đang xấu đi. Cùng với đó là lo ngại về việc Trung Quốc cung cấp các thiết bị cho Nga có thể làm thúc đẩy xung đột Nga - Ukraine.
"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngừng chuyển giao các vật liệu có công dụng kép, bao gồm các thành phần vũ khí và thiết bị, vốn là đầu vào cho ngành quốc phòng Nga", tuyên bố cuối hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 14-6 cho biết.
G7 cũng chỉ trích các hành vi "nguy hiểm" của Trung Quốc ở Biển Đông. "Chúng tôi phản đối hành động quân sự hóa cũng như các hoạt động cưỡng ép và đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông", Hãng tin AFP dẫn lại tuyên bố của G7 và cho rằng tuyên bố năm nay đã sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn so với hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản năm 2023.
G7 cho biết khối này "quan ngại sâu sắc" về vấn đề an ninh rộng lớn hơn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc ngày càng có nhiều hoạt động nguy hiểm và sử dụng vòi rồng chống lại tàu Philippines", tuyên bố của nhóm G7 nêu.
Một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản nói với AFP rằng tất cả các nước G7 "đều biết rằng cần truyền tải thông điệp một cách thẳng thắn tới cấp cao nhất của Trung Quốc".
"Dư thừa công suất"
Hội nghị G7 diễn ra không lâu sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông báo áp mức thuế mới với xe điện Trung Quốc. Bắc Kinh đã lên án "hành vi bảo hộ trắng trợn" và cho rằng họ có quyền đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
EU dự hội nghị G7 năm nay với tư cách là đối tác thứ tám không chính thức. Khối này cùng với hai nước G7 là Mỹ và Nhật Bản đều lên tiếng lo ngại về cái gọi là "dư thừa công suất công nghiệp" của Trung Quốc.
Họ cho rằng các khoản trợ cấp hào phóng của Bắc Kinh, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng xanh và công nghệ như pin mặt trời và xe điện, có nguy cơ khiến hàng hóa giá rẻ tràn lan ra thị trường toàn cầu. Trung Quốc bác bỏ những lo ngại này.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng kêu gọi Trung Quốc ngừng việc hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng được dùng trong những ngành công nghiệp quan trọng toàn cầu như viễn thông và xe điện.
Theo Hãng tin Reuters, G7 nhấn mạnh không tìm cách làm suy yếu hay cản trở sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, nhưng "sẽ tiếp tục thực hiện các hành động để bảo vệ doanh nghiệp của G7 khỏi các hành vi không công bằng, nhằm tạo sân chơi bình đẳng và khắc phục những tổn hại đang diễn ra".
Trong một bài viết đăng vào tối 14-6, tờ Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) của Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia nước này cho rằng việc G7 tập trung vào sự "dư thừa công suất" của Trung Quốc "phản ánh nỗi lo lắng và sợ hãi của G7 về sự yếu kém của họ trong cạnh tranh quốc tế giữa các ngành công nghiệp mới".
"G7 đang cố gắng gán cho các ngành công nghiệp có lợi thế của Trung Quốc là 'dư thừa công suất' để hạn chế sự phát triển của đất nước", Thời báo Hoàn Cầu nêu.
Ông He Weiwen, thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa, nói với tờ báo này rằng bản thân G7 cũng bị chia rẽ trong chính sách thương mại với Trung Quốc.
Chẳng hạn, Đức có khả năng cạnh tranh trong các ngành công nghiệp mới nổi và có nhiều khoản đầu tư chung với Trung Quốc, do đó ít có xu hướng áp thuế với xe điện của nước này, ông nói.
THANH HIỀN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online