Những lời nói thẳng của Tổng thống Ukraine đã kêu gọi được sự hỗ trợ cho đất nước mình trong thời chiến, nhưng cũng không ít lần làm phật lòng đồng minh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và đệ nhất phu nhân Olena Zelenska thăm đài tưởng niệm ngày 11/9 của Lầu Năm Góc trong chuyến công du Mỹ trong tháng này (Ảnh: Getty).
Volodymyr Zelensky, nhà lãnh đạo thời chiến của Ukraine, đã chứng tỏ ông là chuyên gia truyền thông có khả năng tập hợp dư luận phương Tây về phía mình, và giành được sự ủng hộ đáng kể cho đất nước đang có giao tranh.
Nhưng còn có một Volodymyr Zelensky khác: Một tổng thống xuất thân diễn viên, một người ngoại đạo chính trị có thể buông lời chỉ trích thẳng thừng nhắm vào chính các đồng minh lớn nhất, mạo hiểm đánh mất sự ủng hộ cho Ukraine.
Cả hai mặt ấy của ông Zelensky đã được thể hiện trong chuyến thăm gần đây của vị Tổng thống tới New York và Washington D.C. (Mỹ).
Trên bục phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Zelensky chỉ trích một số đồng minh châu Âu vì đôi co về vấn đề ngũ cốc của Ukraine, cho rằng họ "thể hiện sự đoàn kết trên chính trường" nhưng thực ra đang "dàn dựng sân khấu cho Moscow".
Ba Lan, một trong những nước ủng hộ nhiệt thành nhất của Ukraine nhưng cũng là nước đang tranh cãi về vấn đề ngũ cốc, đã đáp trả. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda so sánh Ukraine với người sắp chết đuối có thể kéo chìm cả người ứng cứu.
Hai ngày sau bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, Tổng thống Ukraine lại thể hiện khía cạnh đáng mến và biết ơn của mình khi đi thăm Washington D.C., gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Mỹ và Ba Lan vì sự hỗ trợ.
Ông Zelensky và Thủ tướng Mateusz Morawiecki của Ba Lan - nước đang đôi co với Ukraine về vấn đề ngũ cốc (Ảnh: AFP).
Theo các nhà quan sát chính trị Ukraine, việc đan xen những phát biểu giận dữ và ca ngợi của ông Zelensky phản ánh mong muốn thể hiện sức mạnh ở trong nước và lòng biết ơn ở nước ngoài.
Phong cách của ông Zelensky trong công tác truyền thông thời chiến luôn đi kèm mạo hiểm. Những phản ứng đời thường, dường như ngẫu hứng của ông khơi gợi cảm giác đáng tin từ người đối diện, giúp có được sự tôn trọng và giúp đỡ nhiệt thành.
Nhưng chúng cũng có thể gây khó chịu cho các chính khách và nhà ngoại giao chuyên nghiệp từ các quốc gia khác - những người còn phải để ý tới người dân trong đất nước họ.
Những lời nói chọc giận
Ông Zelensky, với xuất thân một diễn viên hài và nghệ sĩ biểu diễn, đã trở thành tâm điểm chú ý khi quân đội Nga phát động chiến dịch vào tháng 2/2022.
Trong 18 tháng qua, ông đã khiến các quan chức Liên Hợp Quốc khó chịu khi nói rằng Hội đồng Bảo an nên hành động hoặc xem xét tự giải tán. Ông cũng chọc giận một số nhà lập pháp Israel khi so sánh chiến dịch của Nga tại Ukraine với nạn diệt chủng Holocaust.
Trong hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ở Lithuania vào tháng 7, ông Zelensky đã lên mạng xã hội chỉ trích các đồng minh NATO vì thái độ trì hoãn "chưa từng có và vô lý" đối với việc thúc đẩy Ukraine trở thành thành viên khối này.
Lời nói ấy đã khiến ông Biden cùng các cố vấn thân cận nhất tức giận. Chính quyền của ông Biden khi đó đã tính tới việc xóa bỏ hoàn toàn các câu chữ nhắc đến tư cách ứng viên của Ukraine khỏi thông cáo chung.
Việc ông Zelensky kêu gọi đẩy nhanh kết nạp Ukraine vào NATO đã tạo ra xích mích với các đồng minh như Tổng thống Biden (Ảnh: Getty).
Bộ trưởng Quốc phòng của Anh lúc bấy giờ, ông Ben Wallace, cũng dặn ông Zelensky nên nhớ rằng ông "phải thuyết phục các chính trị gia còn đang hoài nghi ở những quốc gia khác rằng việc hỗ trợ Ukraine là điều đáng làm".
Sau những lời nhắc nhở ấy, ngày hôm sau, ông Zelensky đã gọi hội nghị thượng đỉnh của NATO là "thành công có ý nghĩa đối với Ukraine". Ông nói rằng phái đoàn của mình sẽ về nước với "chiến thắng an ninh quan trọng", hứa hẹn "những cơ hội an ninh hoàn toàn mới".
"Tất nhiên, đặc biệt là trong thời chiến, mọi thứ biến thành 2 màu trắng đen, và khi có những điều bạn không thích hoặc những tuyên bố không ủng hộ bạn, bạn sẽ phản ứng theo cách khá mãnh liệt", một quan chức châu Âu cấp cao làm việc nhiều với Ukraine, nhận xét.
Những lời nói biết ơn
Cũng chính ông Zelensky ấy đã thể hiện sự hiểu biết chính trị ngày càng tăng của mình qua chuyến thăm Washington D.C. hôm 21/9.
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ khi mà vấn đề bức thiết hơn với các nghị sĩ là việc chính phủ có thể sắp đóng cửa, ông Zelensky tập trung vào thông điệp Mỹ được lợi gì khi giúp đỡ Ukraine.
Thượng nghị sĩ Todd Young một người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, tán dương ông Zelensky vì đã nhấn mạnh việc Mỹ giảm hỗ trợ cho Ukraine sẽ giúp đối thủ của Mỹ.
"Ông ấy nói khá rõ ràng rằng họ sẽ bạo dạn hơn nếu chúng tôi không tiếp tục hỗ trợ người Ukraine thể hiện lập trường trên mặt trận này", ông Young nói.
Lãnh đạo một đất nước có giao tranh luôn là điều khó khăn, trong khi ông Zelensky còn gặp thêm áp lực vì Ukraine phụ thuộc quá lớn vào các đồng minh về vũ khí, tình báo và tài chính.
Ông Zelensky đã bày tỏ sự thất vọng với tốc độ chuyển giao vũ khí từ một số chính phủ phương Tây. (Ảnh: Wall Street Journal).
Theo Wall Street Journal, thông điệp của ông Zelensky nhìn chung đã giúp ích cho Ukraine, bắt đầu từ ngày đầu tiên của cuộc xung đột.
Tối hôm đó, khi phát biểu trực tuyến tại cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo EU, Tổng thống Ukraine đã nói với họ rằng: "Đây có thể là lần cuối cùng các ông nhìn thấy tôi còn sống". Các quan chức có mặt đã cảm thấy xúc động trước bình luận của ông Zelensky, khiến EU đưa ra sự hỗ trợ nhanh chóng và chưa từng có.
Kể từ đó, ông Zelensky cùng đội ngũ giỏi truyền thông của ông đã thường xuyên cho ra đời những bài viết và video thể hiện nhà lãnh đạo Ukraine là người mạnh mẽ nhưng đồng cảm với người dân, luôn mặc quân phục màu xanh lá và không cạo râu. Vẻ ngoài này trái ngược với dáng vẻ thanh niên mới lớn của ông Zelensky trước khi xung đột xảy ra.
Các thông điệp của ông Zelensky cũng tập trung vào người dân Ukraine đang gặp sự xáo động lớn trong cuộc sống do xung đột.
Trong video trên mạng xã hội được quay tại Kiev vào Ngày Độc lập của Ukraine vào tháng 8, ông Zelensky đã cảm ơn các binh sĩ, giáo viên, y tá, trẻ em và kỹ sư.
"Tôi biết ơn tất cả những người đang chờ đợi tới ngày người thân mình được trở về từ tiền tuyến, tất cả những người cầu nguyện cho họ hàng ngày, những người gọi điện hoặc gửi đi tin nhắn quan trọng như "Anh sao rồi?" để được nghe câu trả lời "Mọi thứ vẫn ổn"", ông nói.
Theo Wall Street Journal
Nguồn: Báo điện tử Dân trí