Mỹ nói xung đột Ukraine sẽ kéo dài và mở rộng khi Triều Tiên tham gia

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết việc Triều Tiên triển khai binh lính hỗ trợ Nga trong cuộc chiến với Ukraine có thể khiến kéo dài và mở rộng cuộc xung đột đã kéo dài hơn 2 năm rưỡi.

1 My Noi Xung Dot Ukraine Se Keo Dai Va Mo Rong Khi Trieu Tien Tham Gia

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong Hyun ở Washington, ngày 30-10 - Ảnh: REUTERS

Theo lời ông Austin phát biểu ngày 30-10, khoảng 10.000 binh sĩ Triều Tiên đã được triển khai tới khu vực phía đông nước Nga, mặc đồng phục Nga và mang trang thiết bị của Nga.

Ông Austin cho biết động thái này ngày càng giống như một cuộc triển khai nhằm hỗ trợ các hoạt động chiến đấu của Nga tại khu vực Kursk, gần biên giới với Ukraine. Tháng 8 vừa qua, lực lượng Ukraine đã tiến hành một cuộc xâm nhập lớn vào Kursk và hiện đang kiểm soát hàng trăm kilômet vuông lãnh thổ tại đây.

Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc, ông Kim Yong Hyun, tại Lầu Năm Góc, ông Austin gọi sự tham gia của Triều Tiên là "sự leo thang nguy hiểm và gây mất ổn định".

Khi được hỏi về khả năng xung đột lan rộng, ám chỉ sự tham gia của các quốc gia khác, ông Austin trả lời thận trọng: "Nó có thể khuyến khích các bên khác tham gia, có thể theo những cách khác nhau… Có nhiều khả năng có thể xảy ra".

Nếu Triều Tiên tham gia hỗ trợ Nga trong cuộc chiến, ông Austin dự báo các binh lính Bình Nhưỡng sẽ trở thành mục tiêu của lực lượng Ukraine và sẽ chịu thương vong trên chiến trường. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói thêm: "Nếu họ chiến đấu cùng quân đội Nga, họ sẽ là bên tham chiến, và có mọi lý do để tin rằng họ sẽ bị thiệt mạng hoặc bị thương".

Hàn Quốc cũng đã bày tỏ lo ngại rằng việc tham gia chiến đấu cùng Nga sẽ mang lại cho Bình Nhưỡng những kinh nghiệm quý giá, tạo ra mối đe dọa quân sự trực tiếp với Seoul.

Bộ trưởng Kim cảnh báo rằng Triều Tiên có thể yêu cầu Nga chuyển giao công nghệ vũ khí hạt nhân chiến thuật, tàu ngầm tên lửa đạn đạo, và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) để đổi lấy sự hỗ trợ này.

"Tôi tin rằng điều này có thể làm gia tăng mối đe dọa an ninh trên bán đảo", ông Kim phát biểu.

Hàn Quốc cũng đang xem xét việc gửi lực lượng đến Ukraine để theo dõi và phân tích các động thái của Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cho biết đây là cơ hội tốt để tìm hiểu thêm về lực lượng miền Bắc.

Cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát khi Nga tấn công nước láng giềng vào tháng 2-2022, từ đó phát triển thành một cuộc chiến tiêu hao kéo dài chủ yếu ở khu vực phía đông Ukraine, gây thương vong lớn cho cả hai bên.

Mỹ nhận định việc Triều Tiên triển khai lực lượng có thể là bằng chứng cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đang gặp khó khăn trong việc bổ sung quân sau hơn 600.000 thương vong theo ước tính của Mỹ.

Bộ trưởng Austin nhấn mạnh rằng Nga đã phải tìm đến Triều Tiên và Iran để bổ sung kho vũ khí. "Việc phải trông cậy vào một quốc gia bị cô lập như Triều Tiên chỉ nhấn mạnh sự khó khăn của Putin", ông Austin nói.

Ông Austin và người đồng cấp Hàn Quốc đã kêu gọi Triều Tiên rút lực lượng khỏi cuộc chiến. Tuy nhiên, chưa rõ liệu Washington hoặc các đồng minh có thể thực hiện các bước đi cụ thể nào để ngăn cản Bình Nhưỡng tham chiến.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và phối hợp với các đồng minh, đối tác để ngăn chặn Nga sử dụng lực lượng này trong các hoạt động chiến đấu", ông Austin khẳng định.

Ông Putin không phủ nhận sự tham gia của quân đội Triều Tiên trong cuộc chiến, nhưng cho rằng đây là công việc nội bộ của Nga trong việc thực hiện thỏa thuận hợp tác mà ông và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã ký vào tháng 6.

Triều Tiên cũng chưa chính thức xác nhận việc triển khai quân, nhưng tuyên bố rằng nếu điều này là thật thì họ sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế.

MINH KHÔI

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan