Tàu đổ bộ Vikram và xe tự hành Pragyan của Ấn Độ không tỉnh dậy sau hai tuần ngủ trong giá rét trên Mặt trăng, và mỗi ngày trôi qua cơ hội con tàu hoạt động trở lại ngày càng thấp.
Xe tự hành của Ấn Độ thám hiểm bề mặt Mặt trăng - Ảnh: AFP
Tàu Vikram và xe tự hành Pragyan tắt nguồn vào ngày 2-9 để bảo vệ các thiết bị bên trong trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt của bóng đêm trên Mặt trăng. Mỗi đêm trên Mặt trăng bằng hai tuần của Trái đất và nhiệt độ có thể xuống đến -250oC.
Các nhà khoa học của Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) tự tin rằng con tàu sẽ sống sót và thức giấc vào ngày 22-9, sau đó sạc lại năng lượng từ ánh sáng mặt trời.
Tuy nhiên đến nay họ vẫn chưa thể liên lạc được với nó. Theo các nhà khoa học, khả năng các thiết bị có thể chịu được nhiệt độ đóng băng là 50%.
Cuối tuần trước, ISRO cho biết trên nền tảng X (trước đây là Twitter), "những nỗ lực thiết lập liên lạc với tàu đổ bộ Vikram và tàu thám hiểm Pragyaan sẽ tiếp tục". Nhưng không có thông báo nào được đưa ra sau đó.
ISRO sẽ tiếp tục tìm cách liên lạc với tàu Vikram và xe tự hành Pragyan cho đến ngày 30-9, khi Mặt trăng lại chìm vào bóng đêm.
Trước khi đưa tàu đổ bộ và xe tự hành vào chế độ "ngủ", các nhà khoa học tại ISRO đã muốn nhấn mạnh rằng sứ mệnh Chandrayaan-3 đã thành công rực rỡ và đạt được các mục tiêu chính.
"Nếu Vikram và Pragyan không tỉnh giấc, chúng sẽ ở lại Mặt trăng với tư cách là đại sứ Mặt trăng của Ấn Độ", ISRO nói.
Sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thực hiện cuộc đổ bộ lịch sử xuống cực nam của Mặt trăng vào tháng 8-2023, sau hành trình kéo dài 40 ngày. Tàu thám hiểm sau đó đã dành hơn một tuần để thu thập dữ liệu từ bề mặt Mặt trăng.
Sứ mệnh Chandrayaan-3 đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên đến được vùng cực nam Mặt trăng và là quốc gia thứ 4 đặt chân lên Mặt trăng.
Trong tuần khám phá, xe tự hành Pragyaan được giao nhiệm vụ mà ISRO mô tả là "theo đuổi bí mật của Mặt trăng". Nó đã di chuyển quãng đường khoảng 100m, truyền hình ảnh và dữ liệu về Trái đất, đồng thời xác nhận sự hiện diện của lưu huỳnh, sắt, oxy và các nguyên tố khác trên Mặt trăng.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online